Cà phê không chỉ giúp tỉnh táo mà còn có tác dụng kháng viêm, giảm căng thẳng ô xy hóa, giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, cà phê cũng ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào loại thực phẩm chúng ta ăn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

leftcenterrightdel
 Uống cà phê khi đang ăn thịt đỏ có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt trong thịt của cơ thể
 

Cà phê cần tránh uống cùng với những loại thực phẩm sau:

Thịt đỏ

Thịt đỏ là một trong những nguồn cung cấp chất sắt tốt nhất cho cơ thể. Tuy nhiên, mọi người không nên uống cà phê chung với thịt đỏ. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy mỗi ngày uống từ 3 ly cà phê trở lên có thể làm giảm đến 39% khả năng hấp thụ sắt trong thịt đỏ. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến thiếu sắt.

Món cay

Ăn chung món cay với cà phê có thể gây khó chịu với một số người, đặc biệt là người có dạ dày nhạy cảm. Vì chất capsaicin trong ớt và tính a xít của cà phê có thể khiến các triệu chứng như trào ngược a xít, khó tiêu và ợ chua thêm nghiêm trọng. Ngoài ra, với những người đang gặp vấn đề về tiêu hóa, ăn cay cùng với cà phê sẽ làm tiêu chảy, buồn nôn trở nên khó chịu hơn.

Món nhiều dầu mỡ

Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thịt mỡ, đồ chiên xào, bơ, phô mai sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa. Nếu uống cà phê thì một số dưỡng chất trong cà phê sẽ gây cảm giác nặng bụng và khó chịu.

Ngoài ra, một nguy cơ khác khi uống cà phê chung với các món chứa nhiều chất béo bão hòa là làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu. Hệ quả là không chỉ tăng cholesterol trong máu mà còn cản trở khả năng điều chỉnh đường huyết của cơ thể, lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2, theo Healthline.

Theo Thanh niên