Hen phế quản là bệnh biến đổi theo mùa, nặng lên khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ hoặc thay đổi thời tiết và có thể xuất hiện cơn hen cấp hay đợt cấp. Hen phế quản ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt, học tập hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí tiềm ẩn hiểm họa khôn lường nếu không được kiểm soát đúng cách.
Có sự nhầm lẫn cho rằng hen là bệnh mạn tính không đáng lo
Hen phế quản là một vấn đề sức khỏe toàn cầu và đang có xu hướng gia tăng trong những thập niên qua. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm thế giới ghi nhận có tới 250.000 trường hợp tử vong do hen - một con số hết sức báo động. Tuy nhiên, vẫn có một tín hiệu lạc quan là 85% các trường hợp tử vong có thể phòng tránh nếu được chẩn đoán, phát hiện và điều trị kịp thời.
Mặc dù hen phế quản là căn bệnh phổ biến, nhưng vẫn còn những khoảng trống trong nhận thức của người bệnh về nó, đánh giá thấp biểu hiện và mức độ nguy hiểm của tình trạng bệnh, thiếu thông tin cập nhật cần thiết.
Có sự nhầm lẫn cho rằng hen là bệnh mạn tính - đồng nghĩa với việc không cấp tính, không đáng lo, mặc dù sự thật là người bệnh có thể tử vong vì một cơn hen phế quản ác tính.
Thực tế hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn, là tình trạng viêm mạn tính đường thở. Làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần.
Bệnh thường xảy ra vào ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Bệnh diễn biến nhanh và có thể gây tử vong nếu không theo dõi và xử trí kịp thời.
Bệnh hen có chữa khỏi được không?
Nỗi băn khoăn lớn nhất của người bệnh khi được chẩn đoán mắc hen là liệu hen có thể chữa khỏi hoàn toàn được không? Hen gây ra những hậu quả gì? Làm thế nào để thoát khỏi căn bệnh dai dẳng này?
Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn hen, nhưng có thể kiểm soát được nếu người bệnh tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Hay nói cách khác, bệnh hen phế quản thường không thể chữa khỏi, nhưng triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bởi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Người mắc bệnh hen có thể tự khỏi?
Có một số trường hợp hen suyễn ở trẻ em có thể tiến triển hoặc biến mất sau nhiều năm điều trị bằng các thuốc chống viêm. Tuy nhiên, cơn hen có thể xuất hiện trở lại trong cuộc sống sau này của họ.
Hen có thể không có triệu chứng trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có nguy cơ bị hen nếu tiếp xúc với các yếu tố khởi phát hen là các dị nguyên đặc hiệu như phấn hoa, lông mèo, mạt bụi nhà... Đó là về trường hợp của thể hen dị ứng và việc điều trị bằng phương pháp giải mẫn cảm, đôi khi có thể đạt được tình trạng gần như khỏi hoàn toàn ở một số người bệnh hen khi biết được các dị nguyên, tuy nhiên đó cũng chỉ là số ít các trường hợp.
Kiểm soát hen bằng những phương pháp nào?
Việc điều trị hen chủ yếu là điều trị dự phòng kiểm soát bệnh, không phải chỉ dùng thuốc cắt cơn. Những người lạm dụng thuốc cắt cơn hàng năm không có thói quen dùng thuốc dự phòng sẽ có xu hướng nhiều cơn cấp nặng hơn và tái lại nhiều lần hơn.
Hen là một bệnh cần phải được điều trị lâu dài. Để phòng ngừa những cơn cấp và những ảnh hưởng xấu mà hen gây ra, người bệnh cần làm tốt những việc sau:
1. Tránh các yếu tố làm khởi phát cơn hen.
2. Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Duy trì thuốc dự phòng hen đường hít xịt là một yếu tố then chốt giúp kiểm soát tốt bệnh hen. Khám định kỳ để được theo dõi và nhận được hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
3. Biết cách dùng thuốc cắt cơn và xử trí khi xuất hiện cơn hen cấp thông qua việc biết sử dụng bảng kế hoạch hành động hen. Nhận biết được các dấu hiệu trở nặng của bệnh để được can thiệp y tế kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn