1. Những nguy cơ có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai bị hen phế quản

Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường thở với các biểu hiện điển hình là: thở khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Bệnh dễ tái phát và nặng lên khi tiếp xúc yếu tố nguy cơ hoặc thay đổi thời tiết. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Theo TS. BS Phạm Thị Bích Thủy, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, nguyên nhân gây hen phế quản có thể chia thành 3 nhóm:

Do cơ địa của người bệnh: Bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân mắc những bệnh dị ứng. Hoặc trong gia đình, khi bố hoặc mẹ bị hen phế quản thì khoảng 20-30% con có thể mắc bệnh. Nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh thì có khoảng 50% con có thể mắc hen phế quản.

Do môi trường: Các yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh lý hen phế quản bao gồm: khói, bụi, phấn hoa, lông chó mèo, hóa chất, mùi nặng…

Do nghề nghiệp: Một số người làm nghề dệt may, làm thảm, hóa chất… dễ bị mắc hen phế quản.

Phụ nữ mang thai bị hen phế quản cần lưu ý gì để phòng ngừa biến chứng? - Ảnh 2.

Các yếu tố có thể gây khởi phát cơn hen phế quản.

Trong cơn hen cấp nếu không xử trí kịp thời có thể xảy ra những biến chứng như: suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong hoặc gây tràn khí phế nang do ho, ép ngực hoặc do gắng sức để thở. Ngoài ra nếu suy hô hấp kéo dài có thể dẫn đến thiếu oxy não.

Đối với bệnh nhân hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính, tình trạng suy hô hấp càng trầm trọng, nguy cơ tử vong càng cao.

Đối với phụ nữ mang thai, nhiều cơ chế sinh lý thay đổi có thể làm nặng thêm hay cải thiện tình trạng hen. Một số trường hợp bệnh hen nặng lên, đặc biệt là ở các bệnh nhân hen trước đó không được điều trị tốt bệnh hen hay có các cơn hen nặng. Nếu như không được kiểm soát tốt, bệnh hen sẽ tác động xấu đến sức khỏe cả mẹ lẫn con.

Các nguy cơ ở mẹ như tiền sản giật, xuất huyết âm đạo bất thường hay làm tăng tình trạng nôn nghén. Các nguy cơ đối với thai nhi gồm chậm phát triển bào thai, sinh non, sinh nhẹ cân hoặc tăng tử vong chu sinh...

Phụ nữ mang thai bị hen phế quản cần lưu ý gì để phòng ngừa biến chứng? - Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai không kiểm soát bệnh hen tốt sẽ tác động xấu đến sức khỏe cả mẹ lẫn con.

2. Kiểm soát và theo dõi chặt chẽ hen phế quản trong thai kỳ

Theo các chuyên gia y tế, bệnh hen phế quản có thể được kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc dự phòng điều đặn và tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh.

Phụ nữ mang thai bị hen nếu kiểm soát tốt có thể đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi không bị ảnh hưởng. Do đó, người bệnh cần đi khám chuyên khoa và phải tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Điều trị hen trong thai kỳ với các loại thuốc thích hợp theo chỉ định của bác sĩ để duy trì kiểm soát hen sẽ an toàn hơn là không dùng thuốc và để xảy ra triệu chứng (hen không kiểm soát) cũng như cơn hen cấp. Do đó, những bệnh nhân hen phế quản khi có thai không nên tự ý ngừng hoặc giảm liều điều trị mà không có ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

Khi mang thai, người mẹ phải thở cho chính mình và cho thai nhi. Nếu không kiểm soát tốt chức năng hô hấp và bị lên cơn hen, bạn có thể khiến con bạn gặp nguy hiểm vì bị giảm lượng oxy cung cấp.

Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm soát tốt bệnh hen suyễn để thai nhi được cung cấp oxy tốt cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường, ngăn ngừa nguy cơ sinh con nhẹ cân và sinh non.

Theo TS. BS Phạm Thị Bích Thủy, mục đích của việc điều trị kiểm soát hen phế quản trong lúc mang thai là ngăn chặn những cơn thiếu oxy cho mẹ giúp cung cấp oxy đầy đủ cho thai nhi.

Điều trị tối ưu bệnh hen trong lúc mang thai bao gồm: kiểm soát chức năng hô hấp, tránh các yếu tốt gây kích phát cơn hen, tư vấn cho người bệnh, điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường.

Từ tháng thứ 7 của thai kỳ, phụ nữ có thai cần được theo dõi thường xuyên hơn ở cơ sở y tế vì thai lúc này đã to, nhu cầu oxy cũng tăng lên.

Phụ nữ mang thai bị hen phế quản cần lưu ý gì để phòng ngừa biến chứng? - Ảnh 5.

Thai phụ cần được khám và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa.

3. Điều trị dự phòng là rất quan trọng

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh khi biết mình bị hen phế quản, bệnh nhân cần hết sức thận trọng vì cơn hen có thể xuất hiện đột ngột bất cứ lúc nào, đặc biệt khi tiếp xúc với các dị nguyên như: Phấn hoa; lông hoặc chất thải chó, mèo; khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói bếp than; bụi nhà, gián; thuốc xịt, nước hoa có mùi hắc; nấm mốc; thức ăn lạ (hải sản...); thuốc (aspirin)…

Đối với người mắc bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử bị hen phế quản, trước khi có ý định mang thai, người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn và điều trị dự phòng thật tốt để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và con.

Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ, thai phụ cần phải luôn chú ý tránh tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen như trên.

Cần đi khám thai đầy đủ, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi phù hợp. Lưu ý không làm việc quá sức hay hoạt động gắng sức quá mức. Khi vận động mạnh, nhu cầu ôxy tăng khiến bệnh nhân phải thở nhanh, luồng khí ra vào phế quản nhanh và mạnh hơn, ít được làm ẩm và làm ấm hơn gây kích ứng các tiểu phế quản gây cơn hen.

Có chế độ ăn uống đủ chất, cân bằng và lành mạnh, ưu tiên trái cây và rau tươi, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin và magiê. Hạn chế thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng. Tránh thực phẩm dễ gây dị ứng như: hải sản, con nhộng, hạt cây…

Nếu có dấu hiệu lên cơn hen cần dùng thuốc cắt cơn theo đúng hướng dẫn và đến cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khoẻ và theo dõi chăm sóc phù hợp.

Theo suckhoedoisong.vn