Đi bộ giúp cơ bắp đốt nhiều đường glucose hơn, từ đó giúp giảm đường huyết - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Dưới đây là những cách giúp hạ và duy trì đường huyết ổn định đã được khoa học chứng minh:
Đi bộ
Đi bộ có thể giúp hạ đường huyết hiệu quả vì giúp tăng nhịp tim và làm cơ bắp đốt nhiều đường glucose hơn. Thậm chí, một số nghiên cứu còn xem đi bộ là một phần của các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường loại 2, theo MSN.
Một nghiên cứu mới đây đăng trên chuyên san American Diabetes Association, được thực hiện trên những người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc tiểu đường loại 2. Theo đó, sau bữa ăn, tất cả được yêu cầu đi bộ trên máy chạy bộ trong khoảng 15 phút.
Các kết quả cho thấy nhờ đi bộ, lượng đường trong máu họ ít bị biến động hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy đi bộ ngay sau bữa ăn có tác động tích cực với đường huyết hơn là đi bộ vào buổi sáng và buổi tối, theo MSN.
Quế không chỉ là một loại gia vị mà còn có tác dụng giúp kiểm soát đường huyết - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Dùng quế
Quế không chỉ là một loại gia vị mà còn có tác dụng giúp kiểm soát đường huyết. Một nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hiện chỉ cần ăn 1 gram quế/ngày cũng có thể giúp cải thiện đường huyết, tăng độ nhạy insulin và kiểm soát tiểu đường loại 2.
Ngủ nhiều hơn 6 giờ/đêm
Thiếu ngủ không chỉ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, khó chịu mà còn gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác với sức khỏe. Một trong số đó là khiến đường huyết dễ tăng cao đột ngột.
Đối với một người khỏe mạnh, cơ thể họ có khả năng tiết hoóc môn insulin bình thường. Nhờ vậy, các tế bào trong cơ thể có thể hấp thụ tốt được đường glucose trong máu, giúp đường huyết trở về mức cân bằng.
Nhưng với người mắc bệnh tiểu đường loại 2, vì cơ thể họ không thể tiết insulin một cách bình thường nên đường huyết sẽ tăng cao đột ngột. Do đó, ngủ đủ giấc là rất quan trọng đối với người bệnh tiểu đường, theo MSN.
Theo thanhnien