1. Đặc điểm và biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu

Thủy đậu lúc mới phát có những triệu chứng giống như cảm mạo: Phát sốt, đau đầu, ho, hắt hơi, chán ăn, người bứt rứt khó chịu...

Sốt thường không cao. Trong quá trình phát sốt, hoặc sau khi phát sốt 1-2 ngày, trên đầu, mặt xuất hiện những nốt chẩn đỏ, sờ tay vào thấy hơi cồm cộm; tiếp đó trên người, rồi ở chân và tay cũng xuất hiện một số nốt chẩn. Nốt chẩn to dần trong như giọt sương, chân có viền đỏ (phát ban dạng phỏng nước)

Các nốt thủy đậu trên cơ thể theo tập trung chủ yếu ở đầu mặt và trên người, chân và tay đậu mọc thưa hơn, bàn chân và bàn tay ít.

photo-1675613047291

Bệnh thủy đậu có đặc điểm phát ban dạng phỏng nước

Thủy đậu, nói chung là một bệnh lành tính, không nguy hiểm như bệnh sởi, hoặc bệnh đậu mùa. Trường hợp nhẹ có thể tự khỏi, không phải dùng thuốc. Khi khỏi bệnh không để lại sẹo trên da. Sau khi các mụn nước đóng vẩy và rụng, chỉ để lại những vết thâm mờ trên da, một thời gian sau, da dần dần trở lại bình thường.

Người đã bị thủy đậu một lần, thường không bao giờ mắc lại nữa, vì cơ thể đã tạo được miễn dịch lâu dài. Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh nặng, nếu không giữ gìn và điều trị kịp thời, có thể bị bội nhiễm, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cầu thận, viêm loét da.

Đặc biệt, nguy cơ xảy ra biến chứng đối với người lớn tuổi bị suy giảm miễn dịch cao gấp 25 lần so với trẻ em, phổ biến nhất là nhiễm khuẩn thứ phát tại các mụn nước bị vỡ, mất nước, viêm phổi và ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương.

2. Cháo thuốc trong điều trị bệnh thủy đậu

Khi bị thủy đậu, ăn uống nói chung cần thanh đạm. Nên sử dụng các loại thức ăn mềm và thức ăn lỏng.

Cần kiêng kỵ các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế các loại thịt, như thịt gà, thịt vịt...

Thủy đậu thường kèm theo tình trạng "nhiệt độc uất kết", do đó đối với các loại thức ăn có tính táo nhiệt (khô, nóng), cũng cần hạn chế. Trường hợp có sốt cao, cần uống thêm nước, để bù lại phần nước đã bị hao hụt trong quá trình thân nhiệt tăng cao.

Để trị bệnh thủy đậu, cùng với các vị thuốc Nam, cũng có thể sử dụng một số loại cháo có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc lợi thấp để hỗ trợ và điều trị.

2.1 Cháo ý dĩ hỗ trợ trị bệnh thủy đậu

- Thành phần: Ý dĩ 30g, gạo tẻ 50g, nước lượng thích hợp, nấu thành cháo. Khi cháo chín, thêm lượng đường phèn hoặc đường kính vừa đủ, trộn đều; chia ăn 2 lần trong ngày, ăn liền 5 ngày.

- Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, dùng trong trường hợp bệnh thủy đậu có những biểu hiện thấp nhiệt tương đối nặng. Cũng có thể thêm kim ngân hoa 15g, sắc lấy nước, hòa vào cháo ý dĩ sau khi đã nấu chín, để tăng cường tác dụng thanh nhiệt giải độc hóa thấp.

Đối với thủy đậu thể nhẹ, nói chung chỉ cần sử dụng một loại cháo này, không cần dùng thêm thuốc men khác.

photo-1675613053140
 

Cháo ý dĩ hỗ trợ điều trị bệnh thủy đậu

2.2 Cháo đậu xanh hoa mai

- Thành phần: Hoa mai 30g, lục đậu (đậu xanh) 30g, gạo tẻ 60g; sắc mai hoa lấy nước để riêng, đậu xanh và gạo tẻ vo sạch, thêm nước, nấu thành cháo; cháo chín, cho nước sắc hoa mai vào, thêm lượng thích hợp đường phèn hoặc đường kính, trộn đều; chia ra 2 lần ăn trong ngày.

Nếu không có hoa mai, có thể tăng lượng đậu xanh lên 50g, để cả vỏ, vẫn có tác dụng tốt.

- Công dụng: Thanh nhiệt thấu biểu, dưỡng âm giải độc; dùng trong trường hợp bệnh thủy đậu nặng.

2.3 Cháo lá tre thạch cao

- Thành phần: Trúc diệp (lá tre) 15g, sinh thạch cao 15g; sắc lấy nước, bỏ bã, thêm 50g gạo tẻ đã vo sạch vào nấu thành cháo. Cháo chín thêm lượng thích hợp đường trắng vào trộn đều, chia ăn 2 lần trong ngày, ăn liền 3-5 ngày.

- Công dụng: Thanh giải nhiệt độc, thích hợp với giai đoạn cuối của bệnh thủy đậu, khi đã hết sốt và nốt đậu đã đóng vẩy.

Theo suckhoedoisong.vn