Khi lâm bệnh, dù nặng hay nhẹ ai cũng cần dùng thuốc để điều trị, nặng thì đến gặp y bác sĩ tại cơ sở y tế, nhẹ thì tự mua thuốc sử dụng. Người bệnh tất yếu luôn mong sớm khỏi bệnh, khoẻ mạnh trở lại. Tuy nhiên, nếu làm sai và hiểu sai về bệnh, sử dụng sai thuốc, sai liều có thể mang lại những tác dụng trái với mong muốn, thậm chí gây hậu quả bất lợi.
Trong các sai sót về chọn thuốc, dùng thuốc có vô số điểm cần phải nhắc, nhưng ở đây chỉ xin nêu ra những sai lầm thường hay mắc phải của người không có chuyên môn, tự dùng thuốc, không có tham vấn, không được hướng dẫn...
1. Tự cảm nhận bệnh qua triệu chứng và tự dùng thuốc
Nguyên nhân của tình trạng này là do:
+ Người bệnh chỉ nhận biết từ các triệu chứng lâm sàng, không phân biệt được tình trạng đó là bệnh gì. Nếu đơn lẻ 1, 2 triệu chứng lâm sàng cũng có thể là biểu hiện giống nhau của nhiều bệnh khác nhau;
+ Tự quyết định và chỉ định thuốc cần mua theo cảm nhận chủ quan, trong khi không nắm rõ bệnh gì, mức độ ra sao và phải dùng thuốc gì?
+ Có khi dùng thuốc theo mách bảo truyền miệng của người không có chuyên môn và kiến thức y tế.
+ Chỉ chú trọng thuốc điều trị triệu chứng mà không hay biết đâu là thuốc chính để loại trừ nguyên nhân gây bệnh.
Từ đó mà xảy ra hàng loạt hệ lụy:
+ Dùng thuốc không đúng chủng loại cần thiết, loại thừa, loại thiếu, phối hợp lộn xộn, có khi dùng thuốc trùng lặp (cùng tác dụng) hay đối kháng tác dụng mà không hay biết. Hoặc có khi nhầm lẫn tên và hàm lượng thuốc, nhất là với thuốc có nhiều tên gốc như: Paracetamol (tên khác acetaminophen), alverin (tên khác dipropyline), các vitamin, một số nội tiết tố... hay các biệt dược có tên gần giống nhau.
+ Dùng thuốc không đủ liều, không đạt liệu trình cần thiết, tăng giảm liều tuỳ tiện không đúng lúc, không phù hợp.
Cần lưu ý việc tăng liều thuốc không hoàn toàn đồng nghĩa với cho tác dụng tăng lên. Điều này chỉ đúng khi dùng thuốc chưa đạt liều tối đa (của 1 lần, của 1 ngày). Rất nhiều thuốc tác dụng chỉ đạt tác dụng tối đa khi tăng tới liều tối đa, vượt ngưỡng đó không tăng tác dụng mà có thể gây nguy hiểm do gây tác dụng quá mức an toàn hoặc ngộ độc, nguy hiểm chết người.
+ Dùng thuốc không đúng thời điểm, không đúng cách, nhất là các thuốc cần có tác dụng nhanh (cần phải ngậm, nhai, nghiền), thuốc tác dụng kéo dài, thuốc tan trong ruột, thuốc hướng đích... (không được bẻ, nhai, nghiền...).
+ Dùng thuốc sai đối tượng (sai loại thuốc, sai liều) cho người cao tuổi, cho trẻ em là người thân. Đặc biệt không chú ý đến các bệnh khác đã mắc, đang tiến triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hấp thu, phân bố, chuyển hoá và thải trừ thuốc, nhất là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh gan, thận, dạ dày... đồng thời cũng không nhìn nhận hậu quả tích cực hay bất lợi ở những tình huống đó (thuốc dùng cho bệnh chính cũng có thể chống chỉ định với bệnh nền).
+ Dùng phối hợp sai thuốc gây tương kỵ, gây cản trở hấp thu, gây đối kháng tác dụng làm mất tác dụng thuốc, hoặc vô tình tạo hiệp đồng tăng tác dụng quá mức gây quá liều;
+ Không hiểu điều trị và theo dõi đến mức nào là khỏi bệnh, dừng thuốc khi bệnh mới có dấu hiệu giảm bớt triệu chứng, trong lúc bệnh vẫn đang tiến triển, chưa khỏi.
+ Dùng thuốc không phù hợp với diễn biến bệnh, nhất là các bệnh có diễn biến thất thường cần phải theo dõi thường xuyên như: Bệnh đái tháo đường; bệnh tim mạch, huyết áp; bệnh rối loạn chuyển hoá... có thể gây sự cố tai biến.
+ Nhắm mắt bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo bất lợi, không chú ý đến các tác dụng phụ, đến tiền sử dị ứng thuốc, kháng thuốc. Không kịp thời phát hiện và xử trí các phản ứng có hại của thuốc (khó thở, tím tái, dị ửng, đau bụng, tăng đau đớn...) hay dấu hiệu các tai biến tiềm ẩn.
Tóm lại: Trong một số ít trường hợp, việc tự ý dùng thuốc có thể không dẫn đến sự nguy hại nào bởi người dùng chỉ bị rối loạn nhẹ, tổn thương nhẹ, mệt nhọc kiểu ốm vặt qua loa (cúm mùa, dị ứng, đau bụng, đụng dập chấn thương nhẹ...), không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và làm việc.
Khi đó có thể yên tâm tự dùng thuốc điều trị cho mình bằng các thuốc thông thường (về nguyên tắc qui định là thuốc không cần kê đơn). Song tốt nhất nên tìm hiểu sơ bộ (nếu chưa biết), tận dụng ý kiến tư vấn của các dược sĩ tại hiệu thuốc, để đạt hiệu quả phù hợp, tốt nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý, dù chỉ bệnh nhẹ, nếu sau 3 - 4 ngày không chuyển thì nên tìm đến sự hỗ trợ từ thầy thuốc.
2. Tin dùng thuốc theo quảng cáo trên mạng xã hội khi không có đủ xác thực về nguồn gốc, tính hợp pháp của thuốc và thày thuốc
Không nên dùng thuốc trị bệnh đơn thuần theo quảng cáo trên thông tin đại chúng vì thông tin phiến diện không đầy đủ, với chỉ một thuốc đơn lẻ như quảng cáo thường không đảm bảo trị bệnh hiệu quả. Nhiều trường hợp là quảng cáo không trung thực, lừa dối, phóng đại tác dụng hoặc không chính xác tác dụng.
Thuốc đông, nam dược (và rất nhiều thực phẩm chức năng) được cho là nguồn gốc tự nhiên quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội (nhất là các quảng cáo không đăng ký, không được kiểm soát trên các mạng: Yotube, Facebook, Zalo, Instagram...), chỉ định và bán thuốc gián tiếp thông qua online đang hướng người dùng thuốc rơi vào nhìn nhận sai lệch trước mê hồn trận quảng cáo thật giả lẫn lộn.
Thận trọng với các nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội.
Các thông tin về thuốc (và cả thực phẩm chức năng) quảng cáo luôn cho rằng:
+ "Chữa khỏi hẳn", "dùng một lần khỏi cả đời", "chắc chắn 100% khỏi , không tái lại"... đối với các bệnh nan y, các bệnh mạn tính đến nay y học hiện đại chưa thể chữa khỏi vĩnh viễn như đái tháo đường, COPD, thoái hoá xương khớp, hen, viêm xoang dị ứng, rối loạn chuyển hoá...
+ Các sản phẩm này thường được quảng cáo có ''nguồn gốc thảo dược 100% rất lành tính và an toàn". Tuy nhiên, điều này không đúng! Hàng loạt nguyên liệu là dược liệu để sản xuất thuốc đông, nam dược và bốc thuốc cổ truyền có hoạt chất độc và rất độc đối với người. Dùng sai thuốc, dùng quá liều đều có thể gây tai biến hoặc gây ngộ độc tử vong. Tuy nhiên, do nhận thức của số đông người dân về y dược còn hạn chế nên chưa biết hết mặt trái bất lợi cũng như tác dụng phụ của các loại thuốc này.
Bộ Y tế Ban hành danh mục dược liệu độc làm thuốc tại thông tư số 42/2017/TT-BYT ngày 13 tháng 11 năm 2017, bao gồm:
+ 41 dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật, trong đó các dược liệu hay được dùng phổ biến gồm: Ba đậu, bạch hoa xà, bán hạ bắc, belladon,mcà độc dược, cam thảo dây, dừa cạn, dương địa hoàng, đào nhân, hoàng nàn, trúc đào, ma hoàng, Mã tiền, nha đảm tử, phụ tử, ô đầu, quảng phòng kỷ, thạch xương bồ, thông thiên...
+ 05 dược liệu có độc tính nguồn gốc động vật, trong đó hay được dùng phổ biến gồm: Ngô công (rết), sâu ban miêu, thiềm tô (nhựa cóc), toàn yết (bò cạp)...
+ 08 dược liệu có độc tính nguồn gốc khoáng vật, trong đó hay được dùng phổ biến gồm: Hùng hoàng, lưu hoàng, thần sa...
Trên thực tế, đã ghi nhận không ít trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng (dị ứng, ngộ độc, suy hô hấp...), thậm chí tử vong do sử dụng các loại thuốc đông dược sơ chế hoặc bào chế thủ công (cao lỏng, cao mềm, cao dán, thuốc viên hoàn, thuốc tễ...) được mua và sử dụng qua quảng cáo online hay "truyền miệng" để điều trị bệnh. Người dùng thiệt thòi lãnh hậu quả nghiêm trọng nhưng hoàn toàn không biết ai, không có cơ sở qui kết đối tượng chịu trách nhiệm.
3. Sai lầm khi dùng riêng thực phẩm chức năng để chữa bệnh
Một số người nghe theo và tin theo quảng cáo dùng đơn độc thực phẩm chức năng để chữa bệnh. Điều đó là không đúng và không thể.
Thực trạng phổ biến quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay là "đăng ký một đằng, quảng cáo một nẻo", thậm chí nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như một thứ "thần dược" có khả năng khiến cho "bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ". Do đó, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ để hiểu rõ về sản phẩm có phù hợp không.
Xin lưu ý, Bộ Y tế đã yêu cầu bắt buộc phải in trên bao bì, trên tờ hướng dẫn, công bố trên thông tin quảng cáo nội dung "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
Do vậy điều cần phải thực hiện là:
- Không sử dụng riêng thực phẩm chức năng để chữa bệnh, trừ một số thực phẩm chức năng có thành phần, nồng độ, hàm lượng phù hợp liều điều trị như thuốc (điều này muốn biết rõ cần thông qua sự trợ giúp của bác sĩ, dược sĩ tin cậy). Tuy nhiên đó cũng chỉ là các thuốc điều trị phụ trợ. Đặc biệt các bệnh mạn tính, các bệnh hiểm nghèo... trước tiên cần phải có sớm nhất các thuốc đặc hiệu (theo đơn hoặc hướng dẫn của bác sĩ) được phối hợp đúng nguyên tắc.
- Thực phẩm chức năng chỉ dùng phối hợp hỗ trợ điều trị khi đã qua tình trạng tiến triển, cấp tính.
- Thực phẩm chức năng chỉ có 2 chức năng cơ bản là: Cung cấp dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe (nâng thể trạng, chống lão hóa, giúp sung mãn, làm đẹp...) và hỗ trợ điều trị bệnh tật (tăng sức đề kháng, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh, làm giảm tác hại của bệnh).
Theo suckhoedoisong.vn