2. Vai trò của corticoid bôi tại chỗ trong điều trị bệnh vảy nến
Corticoid có tác dụng chống viêm, chống tăng sinh, ức chế miễn dịch, gây co mạch. Thuốc tác động thông qua gắn với receptor nội bào, điều hòa biểu hiện gen, đặc biệt là gen mã hóa các interleukin tiền viêm. Vì vậy, cần ít nhất 1 tuần để thuốc đạt tác dụng cải thiện lâm sàng và trung bình 2 tháng để lui bệnh.
2.1. Lựa chọn dùng thuốc
Corticoid bôi cũng được chia làm các loại có hoạt lực rất mạnh (ví dụ clobetasol propionate kem 0,05%), nhóm hoạt lực mạnh (như betamethasone dipropionate thuốc mỡ 0,05%), nhóm hoạt lực trung bình (ví dụ triamcinolone acetonide kem 0,1%) và nhóm hoạt lực yếu (ví dụ hydrocortisone acetate kem 1%)... Việc lựa chọn thuốc sẽ được bác sĩ quyết định dựa vào mức độ nặng của bệnh, vị trí, lứa tuổi.
Corticoid loại nhẹ có thể được sử dụng để điều trị vảy nến ở mặt, nếp kẽ, vùng da dễ bị teo da (như mặt trước cánh tay). Đối với lòng bàn tay, bàn chân, các mảng tổn thương vảy nến thường là mảng dày, mạn tính cần sử dụng corticoid mạnh hơn...
Thuốc mỡ là dạng thuốc có tính bôi trơn và giữ ẩm tốt hơn các dạng bào chế khác, phù hợp cho các tổn thương da dày, khô, nứt nẻ, sừng hóa. Dạng kem dùng ở vùng da ẩm và ở các nếp gấp da, dạng lotion và gel lại phù hợp ở những vùng da nhiều lông vì đặc tính bay hơi và khô nhanh.
2.2. Thời gian dùng thuốc
Corticoid loại mạnh bôi ngày 1-2 lần đến khi đạt được lui bệnh rồi có thể bôi ngày 1 lần vào 2 ngày cuối tuần hoặc bôi cách ngày để duy trì hiệu quả. Một lưu ý là bôi thuốc ngày hơn 2 lần cũng không tăng tác dụng của thuốc. Vảy nến có xu hướng dễ tái phát khi ngừng thuốc nên cần giảm thuốc từ từ, không dừng đột ngột. Đối với nhóm rất mạnh (clobetason propionat) sử dụng 2 lần/ngày, không kéo dài hơn 4 tuần và không quá 50g/tuần.
3. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp
Những tác dụng không mong muốn là điểm hạn chế của corticoid bôi tại chỗ, đặc biệt khi sử dụng nhóm hoạt lực mạnh, kéo dài hoặc trên một vùng da rộng lớn.
Tác dụng phụ có thể gặp nhiều hơn khi sử dụng ở trẻ em do da trẻ thường mỏng hơn người lớn và thay đổi dần theo độ tuổi nên mức độ hấp thu thuốc cũng thay đổi. Ở trẻ em chỉ nên dùng nhóm hoạt lực yếu và trung bình trong một thời gian ngắn hạn.
Một số tác dụng phụ trên da thường gặp của corticoid tại chỗ là teo da, rạn da ở nách hoặc bẹn, dễ bị bầm tím da (ban xuất huyết người già/ ban xuất huyết do ánh sáng mặt trời), thay đổi màu da, giãn mạch, rậm lông…
Đôi khi, thuốc cũng gây những tác dụng phụ toàn thân nguy hiểm như rối loạn trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận (HPA), các vấn đề về nội tiết tố (hội chứng Cushing), suy tuyến thượng thận và hoại tử đầu xương đùi, rối loạn về chuyển hóa và điện giải.
4. Làm thế nào để dùng corticosteroid bôi an toàn?
- Chất làm mềm có thể được thoa trước hoặc sau khi sử dụng thuốc bôi chứa corticoid để giúp giảm kích ứng và khô da hoặc như một chế phẩm bảo vệ.
- Cần điều trị tình trạng nhiễm trùng nếu có.
- Đối với bệnh dày sừng như vảy nến hoặc những vùng da dày (bàn tay, bàn chân), có thể băng kín sau bôi thuốc để tăng hấp thu thuốc, tăng hiệu quả điều trị (thường băng kín vào ban đêm, lúc đi ngủ). Băng kín 1 đợt có thể từ 7- 10 ngày hoặc cách ngày, không nên băng vùi kéo dài vì 1 số ca có thể gây bí hơi, nhiễm khuẩn tụ cầu tại vùng da đó.
- Không nên ngừng thuốc đột ngột để tránh phản ứng dội ngược. Khi bệnh cải thiện, nên giảm dần tần suất sử dụng và/hoặc chuyển sang dùng thuốc có hoạt lực yếu hơn trước khi ngừng hẳn.
Theo phụ nữ TPHCM