Nhổ răng khôn khi nào tốt nhất?

Răng khôn là răng mọc muộn nhất trên cung răng khoảng từ 18 đến 25 tuổi và thời gian này xương hàm ít tăng trưởng về kích thước, chất lượng xương cứng hơn, niêm mạc và mô mềm phủ trên dầy chắc, do vậy răng khôn dễ mọc lệch và mọc ngầm.

Thông thường các khuyến nghị nhổ răng khôn sớm, khi đó, chân răng mới hình thành được 2/3 nên thuận lợi cho việc phục hồi. Sau độ tuổi này, tất cả các mô xương trong cung hàm đã dần hoàn thiện và trở nên cứng cáp, khiến việc tiểu phẫu diễn ra khó khăn. Chưa kể, quá trình hồi phục của các mô xương cũng diễn ra lâu hơn.

Trước khi tiến hành phẫu thuật nhổ răng khôn, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để xác định vị trí và tình trạng hiện tại của răng khôn, tình trạng sức khỏe răng miệng chung, các viêm nhiễm tại chỗ nếu có,… Trong quá trình khám bệnh, để hạn chế các biến chứng trong và sau khi nhổ răng, các bác sĩ sẽ trao đổi tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như tiền sử bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý toàn thân như tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông máu,…

photo-1700030956858
 

Răng khôn là răng mọc muộn nhất dễ mọc lệch và mọc ngầm.

Ngoài việc thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần thiết để đảm bảo cho phẫu thuật nhổ răng được an toàn và hiệu quả.

Các xét nghiệm bao gồm công thức máu và thời gian đông máu nhằm đảm bảo không có bất kỳ bất thường nào trong quá trình đông máu hay số lượng tế bào máu để đảm bảo giai đoạn lành thương sau phẫu thuật được diễn ra bình thường.

Chụp phim X quang răng cũng được chỉ định để xác định chính xác vị trí răng, hình dạng và số lượng chân răng trong cung hàm. Nhờ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và sử dụng cách thức phẫu thuật phù hợp với từng tình trạng răng như: răng mọc lệch, mọc ngầm, đâm ngang...

3 điều cần biết sau khi nhổ răng khôn

Sau khi nhổ răng khôn, đặc biệt đối với những răng mọc lệch khó, các tình trạng sau đây rất cần lưu ý.

- Người bệnh sẽ có biểu hiện đau: thường xảy ra sau khi thuốc tê hết tác dụng, tùy từng sang chấn trong quá trình nhổ mà bệnh nhân có thể đau theo các mức độ khác nhau từ đau nhẹ âm ỉ đến đau dữ dội.

- Có biểu hiện chảy máu: Tình trạng này có thể xảy ra sau khi nhổ răng trong vòng 24h, cần lưu ý cắn chặt gạc cầm máu trong miệng

- Có biểu hiện sưng nề: Sưng sau nhổ răng có thể kéo dài từ 24h – 1 tuần.

3 thứ cần biết, 6 điều cần làm sau khi nhổ răng khôn- Ảnh 2.

Cần khám răng định kỳ để phát hiện sớm những vấn đề về răng

6 việc cần làm sau khi nhổ răng khôn

- Cần uống thuốc theo đơn. Cắn gạc trong miệng khoảng 30 phút sau phẫu thuật để tránh chảy máu

- Để giảm sưng đau có thể sử dụng chườm đá lạnh ngoài má khoảng 15 phút, sau đó nghỉ 15 phút trong 24 giờ sau phẫu thuật để giảm sưng. Có thể chườm ấm vào ngày hôm sau. Nên nghỉ ngơi hoàn toàn sau phẫu thuật 1-2 ngày. Không nên vận động mạnh như: bơi, đá bóng, bê vác đồ nặng… trong khoảng 1 tuần sau phẫu thuật.

- Cần ăn mềm, nguội 1-2 ngày sau nhổ răng. Những ngày sau có thể ăn uống bình thường. Tránh thức ăn cứng, dai, nóng hoặc cay có thể mắc vào ổ cắm hoặc gây kích ứng vết thương.

- Không uống rượu, bia hoặc hút thuốc lá trong thời gian uống thuốc vì ảnh hưởng đến quá trình lành thương. Khi uống nước nên sử dụng ống hút.

- Không nên chải răng, súc miệng mạnh tại vùng phẫu thuật vào ngày đầu tiên sau nhổ răng khôn.

- Cần liên hệ ngay với bác sĩ phẫu thuật khi có dấu hiệu chảy máu quá nhiều không cầm được bằng cắn gạc, sốt cao trên 39 độ C. Đau dữ dội không đáp ứng với thuốc giảm đau. Sưng nặng hơn sau 2 hoặc 3 ngày, khó thở, khó nuốt… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Tóm lại: Nếu có được chỉ định nhổ răng khôn cũng không nên quá lo lắng, bởi đây là một tiểu phẫu không phức tạp trong nha khoa. Tuy nhiên, việc nhổ răng khôn cũng không được chủ quan bởi có thể gây ra biến chứng. Vì vậy, việc lựa chọn cơ sở y tế có chuyên môn uy tín để nhổ răng khôn là vô cùng quan trọng.

Theo suckhoedoisong.vn