Ảnh minh họa
UNFPA khuyến nghị, phòng chống các tai biến sản khoa và giảm tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trao quyền cho phụ nữ để họ có thể đưa ra các quyết định và thực hiện các quyền của mình đóng vai trò then chốt trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững về bà mẹ, trẻ em vào năm 2030.
Báo cáo Hộ sinh Việt Nam lần thứ nhất và Báo cáo "Rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình của cộng đồng các dân tộc thiểu số" do Bộ Y tế, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố sáng 24/4 tại Hà Nội cho thấy: Tiếp cận chăm sóc y tế có chất lượng là quyền cơ bản của mỗi người. Đầu tư hơn nữa cho công tác hộ sinh là vấn đề quan trọng giúp hiện thực hóa quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản của mọi phụ nữ ở các vùng miền khác nhau.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ và tử vong trẻ em giữa các vùng miền, nhóm dân tộc. Tử vong mẹ thường cao hơn tại các vùng sâu, vùng xa và các khu vực dân tộc thiểu số. Số liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các ca sinh được người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ tại các khu vực nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là 49%, so với số liệu ước tính trên toàn quốc là 94%.
Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân tộc thiểu số là 57%, tương đương với tỷ lệ trung bình của cả nước. Tuy nhiên, có thể thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các tỉnh và giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số - với tỷ lệ là 75% ở tỉnh Kon Tum, so với 45% ở tỉnh Gia Lai, 41-42% đối với đồng bào dân tộc Ba Na và Gia Rai, hơn 70% đối với đồng bào dân tộc Tày và Xơ Đăng.
Báo cáo cũng cho thấy hiện nay Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng người đỡ đẻ có kỹ năng tại các vùng sâu vùng xa, cũng như sự khác biệt về năng lực của nhân viên y tế công tác tại vùng đồng bằng so với khu vực trung du và miền núi. Khoảng 94% số hộ sinh mới chỉ tốt nghiệp hệ trung cấp và chỉ có 0,8% có trình độ cử nhân.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: "Vai trò của hộ sinh và công tác hộ sinh là cực kỳ quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Đội ngũ cán bộ hộ sinh, một lực lượng chính trong những người đỡ đẻ có kỹ năng, thành thạo về chuyên môn, có nhiệt huyết và được trợ giúp, là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong việc giúp giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về bà mẹ và trẻ em vào năm 2030".
Đầu tư cho nhân lực y tế, trong đó có ưu tiên cho cán bộ hộ sinh là một trong những sự đầu tư đúng đắn nhất mà một quốc gia có thể thực hiện. Việc củng cố vị thế của hộ sinh là hết sức quan trọng. Khi hộ sinh được đào tạo bài bản, được trao quyền và được hỗ trợ, họ sẽ góp phần đáng kể vào việc cứu sống tính mạng các bà mẹ trẻ sơ sinh liên quan đến thai sản, góp phần cải thiện kinh tế và xã hội của cả quốc gia. Sự hiện diện của hộ sinh bên cạnh mỗi phụ nữ có thai là một chiến lược chi phí hiệu quả về y tế.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu: "Việt Nam đang tiếp tục đạt được những những thành tựu về kinh tế-xã hội. Chúng ta phải thừa nhận rằng nếu không tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản và thúc đẩy việc thực hiện các quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong suốt cuộc đời của họ, thì chúng ta sẽ khó có thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào năm 2030. UNFPA tại Việt Nam cam kết sẽ luôn chung tay hỗ trợ chính phủ và người dân Việt Nam để mọi người dân có thể được tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe – bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ sức khỏe tình dục. Nếu chúng ta cùng chung tay góp sức, tôi tin rằng không có mục tiêu nào mà chúng ta không thể đạt được".
Cả hai báo cáo đều đưa ra các khuyến nghị nhằm thu hẹp khoảng trống còn tồn tại, cũng như đảm bảo độ bao phủ phổ cập và chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Hàng năm, vẫn còn khoảng 300.000 phụ nữ trên thế giới tử vong trong quá trình sinh con. Để có thể thực hiện được các khuyến nghị nêu ra trong các báo cáo, chúng ta sẽ còn phải trải qua một chặng đường khá dài để có thể giảm thiểu tối đa các trường hợp tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh liên quan đến thai sản, để không người phụ nữ nào phải chết khi tạo ra sự sống trên thế giới!
Theo Sức khỏe và đời sống