Trẻ mắc hội chứng thận hư có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và kịp thời. Ngược lại, sự chậm trễ trong điều trị có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Hội chứng thận hư ở trẻ dễ tái phát

Trên lâm sàng, hội chứng thận hư ở trẻ em là một trong ba bệnh thận thường gặp nhất. Hội chứng thận hư hay gặp nhất là ở trẻ 2 - 3 tuổi, nhưng mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này.

Theo nghiên cứu, hội chứng thận hư ở trẻ thường là nguyên phát, hay gặp nhất là sang thương tối thiểu chiếm khoảng 80 - 90%. Và hội chứng thận hư ở trẻ có tiên lượng tốt, đáp ứng với điều trị trong 80 - 90% các trường hợp và hiếm khi dẫn tới suy thận mạn. Tuy nhiên, hội chứng thận hư ở trẻ lại thường diễn tiến mạn tính với các đợt tái phát, trong đó tái phát thường xuyên có thể gặp 40% các trường hợp.

Nhiều trẻ bị thận hư cũng có thể bị mắc các tình trạng bệnh khác có nguyên nhân là dị ứng (như hen, chàm, cảm mạc), nhưng người ta chưa xác định được yếu tố dị ứng đặc biệt nào gắn với các trẻ mắc hội chứng thận hư.

Biểu hiện hội chứng thận hư ở trẻ

- Trẻ xuất hiện phù

Bệnh nhi bị hội chứng thận hư thường đến khám vì triệu chứng phù toàn thân. Trẻ bị sang thương tối thiểu thường rất hiếm khi có triệu chứng tiểu máu và tăng huyết áp.

Với đặc điểm phù toàn thân, phù trắng mềm, ấn lõm, tiến triển nhanh và nặng, Trẻ mắc hội chứng thận hư có thể có tràn dịch như: Tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tinh hoàn... Trẻ thường mệt mỏi, có thể khó thở khi tràn dịch màng phổi.

- Trẻ tiểu ít

Nếu mắc phải hội chứng thận hư, trẻ thường có biểu hiện tiểu ít, lượng nước tiểu trong ngày được ghi nhận giảm đi, nhưng hiếm khi trẻ bị thiểu niệu hay vô niệu.

- Trẻ có thể tiểu máu

Mặc dù biểu hiện tiểu máu ít gặp ở hội chứng thận hư ở trẻ, nhưng có trường hợp vẫn có thể xuất hiện tình trạng này. Theo nghiên cứu tiểu máu đại thể chỉ gặp 3 - 4% các trẻ bị hội chứng thận hư sang thương tối thiểu, tuy nhiên tiểu máu vi thể có thể gặp trong 20 - 30%. Triệu chứng tiểu máu đại thể thường gặp hơn ở sang thương viêm cầu thận tăng sinh màng.

4 dấu hiệu cho thấy trẻ mắc hội chứng thận hư - Ảnh 2.

Trẻ mắc hội chứng thận hư có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm kịp thời. Ảnh minh hoạ.

- Trẻ có biểu hiện tăng huyết áp

Nếu mắc phải hội chứng thận hư, trẻ rất có thể sẽ bị tăng huyết áp, nhưng tỷ lệ này thấp, chỉ có khoảng 5 - 7% các trường hợp sang thương tối thiểu bị tăng huyết áp. Triệu chứng tăng huyết áp thường gặp hơn ở thể xơ hóa cục bộ từng vùng và nặng nhất ở thể viêm cầu thận tăng sinh màng, có thể dẫn đến bệnh não do tăng huyết áp.

Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác hội chứng thận hư ở trẻ, các bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm như: Xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác hội chứng thận hư và tìm nguyên nhân gây bệnh.

Biến chứng thường gặp khi trẻ bị hội chứng thận hư

Trẻ bị hội chứng thận hư rất hay bị nhiễm trùng. Trong đó, bệnh cảnh viêm phúc mạc nguyên phát là biến chứng nhiễm trùng thường hay gặp nhất. Tác nhân gây bệnh thường là Streptococucs Pneumoniae, ngoài ra còn có các vi trùng gram âm như: E. Coli, Haemophilus Influenza.

Trẻ bị hội chứng thận hư còn bị các nhiễm trùng khác như: Viêm phổi, viêm mô tế bào, nhiễm trùng đường tiểu, viêm màng não mủ...

Bệnh nhân hội chứng thận hư dễ bị biến chứng tăng động dẫn đến huyết khối. Biến chứng này thường gặp trong 3 tháng đầu sau khỏi bệnh. Thường gặp trẻ lớn > 12 tuổi và có thể gây ra các hậu quả nặng nề.

Trẻ bị hội chứng thận hư có thể bị tổn thương thận cấp, suy dinh dưỡng (Do mất đạm qua nước tiểu)… Ngoài ra, có thể có các biến chứng khác trong quá trình điều trị như do các thuốc ức chế miễn dịch...

Tóm lại: Hội chứng thận hư thường xảy ra ở trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Ở trẻ bị bệnh, một lượng lớn protein sẽ bị mất qua nước tiểu, dẫn đến protein trong máu giảm đáng kể, khiến nước bị thoát ra khỏi lòng mạch và gây phù. Vì vậy, nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Theo suckhoedoisong.vn