Cơ thể con người luôn cảnh báo các nguy hiểm tiềm ẩn thông qua sự thay đổi màu sắc ở các bộ phận trên cơ thể. Nếu bắt gặp những tín hiệu này, bạn nên ngay lập tức đi khám để được tư vấn kịp thời. Trên các bộ phận nếu xuất hiện những thứ bỗng "hóa vàng" sau, bạn nên thận trọng:

Đầu lưỡi có màu vàng

Thè lưỡi ra, bạn thấy bề mặt lưỡi, đặc biệt phần thân trên của lưỡi có phủ một lớp vàng, điều đó cho thấy dạ dày hỏa vượng. 

Kinh lạc dạ dày thông với lưỡi, do đó, nếu trong dạ dày có hỏa khí, nó sẽ biểu hiện trên lưỡi. Nếu bạn thường thích ăn một số đồ ăn cay, nóng và kích thích, đặc biệt là vào buổi tối, bạn có thể bị loét miệng, chảy máu nướu răng, miệng khô và có mùi hôi, phân rất khô. Bạn cũng thường xuyên cảm thấy bụng rất nóng, như có lửa đốt, khiến bạn thích uống nước lạnh. Thè lưỡi ra, bạn thấy bề mặt lưỡi vàng khè, đây là do hỏa khí dạ dày mạnh. 

Để giải quyết tình trạng này, nên hạn chế ăn đồ cay, nóng, uống những thứ thanh nhiệt, giải độc.

Lưỡi màu vàng là dấu hiệu sức khỏe không tốt. (Ảnh minh họa). 

Mồ hôi nách màu vàng

Nhiều người ra mồ hôi nách, nhưng nếu mồ hôi nách có màu vàng, khiến quần áo bị ố vàng, điều này có thể liên quan đến gan, mật. 

Kinh mạch gan và các kinh mạch túi mật đi qua đầu, nách và bẹn, do đó mọi biểu hiện ở ba vị trí này đáng lưu tâm. Những bệnh nhân gan, mật thường cảm thấy đau đầu và chướng bụng, đi ngoài ra phân rất dính. Nên đi khám để biết các vấn đề nội tạng.

Mồ hôi nách màu vàng là dấu hiệu cơ thể bất ổn. (Ảnh minh họa). 

Nước tiểu vàng

Nước tiểu bình thường không được có "mùi" quá khó ngửi, ngoại trừ mùi amoniac. Nếu thấy nước tiểu có mùi táo thì có thể do bệnh tiểu đường, mùi khắm nhẹ có thể do nhiễm vi khuẩn, mùi amoniac hắc có thể do viêm bàng quang hoặc bí tiểu. 

Trong trường hợp bình thường, nước tiểu phải trong và có màu vàng nhạt. Màu sắc nước tiểu có thể bị ảnh hưởng bởi lượng nước bạn uống. Uống nhiều nước sẽ làm cho màu nhạt hơn, ngược lại màu sẽ trở nên đậm hơn. Ngoài ra, một số người ăn nhiều cà rốt, đu đủ, thanh long... có thể làm thay đổi màu sắc của nước tiểu nhưng khi ngừng thuốc hoặc ngừng ăn thì màu nước tiểu sẽ trở lại bình thường. Khi nhận thấy màu nước tiểu vàng đục, trắng hoặc đỏ thì nên đi kiểm tra. 

Nhiều người đi tiểu nước vàng đặc, niệu đạo nóng rát, đau buốt khi đi vệ sinh, dù đã uống nhiều thuốc hạ hỏa nhưng tình trạng này có thể tái đi tái lại, gây tình trạng mất ngủ đêm, trằn trọc, mồ hôi nhễ nhại. Nguyên nhân có thể là "tâm hỏa, tiểu tiện xuất". Lúc này, bạn cần thanh tâm, thanh hỏa, thanh nhiệt giúp lợi tiểu. 

Trong một số trường hợp, nước tiểu vàng là dấu hiệu của suy gan cấp. Các vấn đề nhẹ hơn có thể là uống quá ít nước, nóng giận đến bốc hỏa, thận yếu... 

Chú ý lắng nghe và quan sát cơ thể, bạn có thể sớm nhận ra các dấu hiệu bất thường. (Ảnh minh họa)

Lượng nước tiểu cũng là yếu tố bạn cần quan tâm. Thể tích đi tiểu hàng ngày của người bình thường nên giữ trong khoảng 400 - 3.000 ml, ở mức bình thường là từ 1.500ml. Số lần đi tiểu trong một ngày nói chung là từ 5 đến 8 lần, 4 đến 7 lần vào ban ngày và 0 đến 1 lần vào ban đêm. Việc duy trì tần suất đi tiểu này là tương đối lành mạnh. Nếu bạn đi tiểu trên 8 lần/ngày trong khi không uống nhiều nước thì bạn cần cảnh giác, đây có thể là vấn đề bệnh lý. 

Nên tuân thủ chế độ sinh hoạt khoa học như uống nhiều nước, không ngồi lâu... để cơ thể được vận động, bài tiết hợp lý. 

Khí hư vàng 

Khí hư có màu vàng, kèm theo mùi hôi thường là dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm nhiễm đường tiết niệu... ở phụ nữ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của nhiều phụ nữ và làm giảm chất lượng cuộc sống của họ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như ung thư cổ tử cung... Nguyên nhân chính của bệnh lý này là do sự mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo và mất cân bằng pH âm đạo, viêm âm đạo do nấm Candida hoặc trichomonas... Trong trường hợp này, bạn nên đi khám để được bác sĩ phụ khoa tư vấn sử dụng các loại thuốc đặt, thuốc uống nhằm điều trị dứt điểm tình trạng trên. 

THÙY LINH (DỊCH TỪ ABOLUOWANG)