Người bệnh COVID-19 sau khi xuất viện nên ăn các món dưỡng phế âm, giải nhiệt tà.
Người bệnh COVID-19 xét nghiệm âm tính, được xuất viện. Tuy các triệu chứng nguy kịch không còn nhưng cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn.
Giai đoạn này cần quan tâm ăn uống bổ phế phù hợp thể trạng mỗi người. Từ đó tăng cường sức đề kháng, chống tái phát sau khi mắc COVID-19.
Theo Đông y, nếu trong cơ thể dương thịnh (nóng) dễ gây tích nhiệt, viêm sưng huyết ứ nặng hơn. Nếu dùng thức bổ mát (hết nóng) là giúp tăng cường sức khỏe ức chế virus, vi khuẩn phát triển (chính khí mạnh thì tà khí lui).
4 loại rau củ tốt cho người bệnh COVID-19
Người bệnh thể chứng dương thịnh bao gồm cả phế dương khí thịnh. Biểu hiện sốt ho khó thở tức ngực, người nóng miệng khô khát. Về ăn uống nên dùng vị bổ mát thanh nhiệt dưỡng phế âm giải nhiệt tà (virus) còn lưu lại.
Giá đậu xanh
Theo Đông y, giá đậu xanh vị ngọt tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, giải độc chỉ khát, tiêu thực hóa ứ...
Giá đậu xanh bổ mát dùng rất tốt với chứng phế nhiệt ho khan, ho tức ngực do huyết nhiệt ứ đàm trệ.
Giá đậu xanh tốt cho cả trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi. Nó cũng tốt người đái tháo đường, huyết áp, tâm phế mạn, suy nhược thiếu máu. Ngoài ra giá đậu còn hỗ trợ phòng ngừa tái phát virus, bệnh thể nhẹ chuyển biến nặng.
Giá đậu xanh giàu dinh dưỡng, nhất là vitamin nhóm B, C và E… Đây đều là dưỡng chất tăng cường kháng thể.
Cách dùng: Mỗi lần lấy 80-100g giá nhúng tái ăn. Hoặc luộc, xào, ăn sống, nấu canh cá, ép nước uống đều tốt.
Giá đậu xanh bổ mát dùng rất tốt với chứng phế nhiệt ho khan, ho tức ngực do huyết nhiệt ứ đàm trệ.
Rau đay
Theo Đông y, rau đay vị cay ngọt tính mát. Tác dụng bổ dưỡng, nhuận tràng, tiêu đàm, lợi hô hấp, kháng viêm, cầm máu…
Rau đay bổ mát dưỡng phế âm, dùng tốt cho những người nóng nhiệt bị hoặc sau khi khỏi còn ho khan, ho tức ngực, ho ra máu, miệng khô khát, táo bón, mệt mỏi nóng bứt rứt, tâm phiền khó ngủ.
Rau đay chứa nhiều các dưỡng chất tăng cường hệ miễn dịch như: vitamin A, B1, B2, C, E...
Cách dùng: Mỗi lần dùng khoảng100g rau đay non nấu canh cua, hoặc nấu canh tôm thịt băm đều tốt.
Mộc nhĩ đen
Theo Đông y, mộc nhĩ đen có vị ngọt, tính bình. Tác dụng bổ âm, dưỡng huyết, nhuận phế, lợi ngũ tạng, giải độc.
Mộc nhĩ đen là món ăn vị thuốc bổ mát dưỡng phế âm, dùng rất tốt cho người bệnh hoặc bệnh lui còn ho khan, ho ra máu, miệng khô, táo bón. Người vốn có bệnh nền huyết áp tim mạch, đái tháo đường, nguy cơ tắc nghẽn mạch máu do huyết ứ ở phổi dùng cũng tốt.
Mộc nhĩ đen rất giàu dinh dưỡng như protid, lipid, glucid, chất xơ, beta-caroten, vitamin B1, B2, và P, Ca, Fe…
Cách dùng: Lấy 40g mộc nhĩ đen ngâm nước thái lát, phối hợp giá đậu xanh, thịt lợn, hành mùi gia vị xào ăn.
Hoặc: Mộc nhĩ đen 40g, rau má 60g, táo tàu 60g. Nấu nước uống nhiều ngày.
Mộc nhĩ đen là món ăn vị thuốc bổ mát dưỡng phế âm dùng rất tốt cho người bệnh.
Rau ngót
Theo Đông y, rau ngót vị ngọt tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hóa ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ…
Rau ngót là món ăn thuốc tốt cho người bị sau khi bệnh lui người gầy nóng bứt rứt khó ngủ, âm hư khó tăng cân. Kèm phế nhiệt ho khan ho, ho ra máu, ho tức ngực do huyết ứ đều dùng tốt.
Rau ngót chứa rất nhiều protein, các khoáng chất cần thiết, các vitamin A, B, C. Nó còn được xem là vị thuốc tăng sức khỏe.
Cách dùng: Mỗi lần lấy 100g rau ngót tươi non nấu canh thịt lợn băm. Hoặc nấu canh cá quả, hoặc mướp hương đều tốt.
Rau ngót nấu cá quả tốt cho người bị sau khi bệnh lui người gầy nóng bứt rứt khó ngủ, âm hư khó tăng cân.
Lưu ý
Người thể chứng dương thịnh (nóng) cần tăng cường ăn bổ mát. Tránh vị khô, cay, mặn, nóng và cá thịt kho mặn để lâu. Không ăn thịt bò, dê, chim, gà cũng như động vật bổ dương (nóng) gây tích nhiệt làm sốt tái lại.
Theo suckhoedoisong