Sự liên quan mật thiết giữa phế và thận
Theo Y học cổ truyền (YHCT) những người bị viêm phổi (phế viêm) đã được chữa khỏi thường gọi là thời kỳ phục hồi sức khỏe sau viêm phổi.
YHCT gọi tạng phế là Hoa cái (Hoa cái là các mái che) ở trên cao nhất, có tác dụng che chở cho các tạng phủ khác. Phế còn chủ về phần biển (bên ngoài) của toàn thân, bảo vệ bên ngoài của tạng phủ. Phế còn là kiều tạng, ví như một kiều nữ - đẹp nhưng yếu ớt, không chịu nổi được nóng lạnh. Phế còn là một thể thanh hư (trong và rỗng) ngoài hợp với bì mao (da, lông), khai khiếu ở mũi, 100 mạch đều hướng về phế (phế triều bách mạch – bách mạch sở triều).
Ngoại tà lục dâm (phong, hàn thử thấp táo hỏa), có thể còn gọi là độc khí, lệ khí, dịch khí. Mới đầu, tà thường đi theo đường da, lông, miệng mũi vào cơ thể, trước hết là xâm phạm tạng phế, gây ho nhẹ, hắt hơi, sổ mũi nhức đầu, đau mình.
Nếu không được chữa kịp thời, sẽ biến chứng nặng hơn, như ho khan, tức ngực, suyễn thở, phát sốt, ngứa họng, hoặc đau rát họng, chán ăn, mất ngủ, miệng khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch huyền hoạt sác đới phù hồng nhẹ. Đây chính là triệu chứng viêm phổi cấp tính, rất nguy hiểm.
Theo YHCT, phế viêm (viêm phổi) chữ viêm là nóng, đồng nghĩa với chữ nhiệt, có hai chữ hỏa viết chồng lên nhau thành chữ viêm K. Vì vậy, tạng phế bị tổn thương do bị viêm nhiễm, nguyên nhân gây ra phế âm hư và liên quan tới thận âm hư.
Phế với thận là quan hệ mẫu tử, kim thủy tương sinh, phế kim sinh thận thủy. Thông thường mẹ bị bệnh thì liên đới tới con, nên mới xuất hiện chứng phế thận âm hư. Phương pháp điều trị là phế thận đồng trị. (cùng chữa cả phế và thận).
Triệu chứng của phế thận âm hư cho thấy còn ho, khí nghịch lên, khản tiếng, triều nhiệt, miệng khô, mồ hôi trộm, di tinh, lưng đau gối mỏi, người gầy, lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác. Thường dùng các vị như sa sâm, thiên môn đông, mạch môn đông, sinh địa, thục địa, nữ trinh tử, câu kỷ tử, hạ liên thảo để tu bổ chân âm của phế và thận.
Bài thuốc tư bổ chân âm
Xin giới thiệu hai bài thuốc cổ phương về tư bổ chân âm của phế thận.
Bài Mạch vị Địa hoàng hoàn (Thọ thế bảo nguyên)
Bài thuốc còn có tên là "Bát tiên thường thọ hoàn", gồm có: Mạch môn đông, ngũ vị tử, thục địa hoàng, sơn thù du, sơn dược (hoài sơn), trạch tả, đơn bì, bạch linh.
Công hiệu: Bổ ích phế thận, tư âm thanh nhiệt.
Chủ trị: Phế thận âm hư, ho, suyễn nghịch, triều nhiệt (hàng ngày hâm hấp sốt nhẹ theo giờ), ra mồ hôi trộm.
Bài thuốc có thể làm thuốc hoàn hoặc thuốc thang tùy theo liều lượng sử dụng.
Bài Bách hợp cố kim thang (Y phương tập giải)
Bài thuốc gồm có: Sinh địa 6 gam (2 đồng cân), thục địa 9 gam, mạch môn đông 5 gam, bách hợp 3 gam, thược dược 3 gam, đương quy 3 gam, bối mẫu 3 gam, sinh cam thảo 3 gam, huyền sâm 3 gam, cát cánh 2 gam. Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần.
Công dụng: Dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế hóa đàm.
Chủ trị: Phế thận âm hư, hư hỏa thượng viêm, triệu chứng cho thấy ho, suyễn thở, họng sưng đau, trong đờm có vẩy máu hoặc khạc ra máu, tay chân phiền nhiệt, buồn bã, lưỡi đỏ rêu ít, mạch tế sác.
Giải thích bài thuốc: Bách hợp trong bài cam khổ hơi hàn, thanh nhiệt sinh tân, nhuận phế chỉ khái, dưỡng âm. Thục địa tư âm bổ huyết, đều là chủ dược. Mạch môn đông cam hơi khổ hàn, dưỡng âm nhuận phế, giúp bách hợp nhuận phế chỉ khái. Huyền sâm vị khổ hàn hơi hàn, tư thận âm, thanh hư hỏa, giúp địa hoàng dưỡng âm thanh nhiệt, cùng là thuốc phụ trợ.
Phế kim hư không khống chế được can mộc, can mộc hình phế kim, cho nên dùng Đương, quy dưỡng âm như can (làm mềm Can), can huyết đầy đủ thì chế ước được can hỏa để bảo vệ phế kim. Bối mẫu thanh phế hóa đàm chỉ khái làm tá dược. Cam thảo nhuận phế chỉ khái, điều hòa chư dược, làm sứ.
Các vị thuốc phối hợp cùng dùng, âm dịch đầy đủ, hư hỏa tự rút, đàm tiêu đi, nhiệt lui, ho tự hết.
Những năm gần đây người ta cũng dùng bài thuốc này chữa lao hạch, viêm khí quản mạn, giãn phế quản, phế bị silic (bột, bụi, kết trong phổi) hoặc viêm phế quản, hậu kỳ thuộc phế thận âm hư.
Theo suckhoedoisong.vn