Chấn thương cột sống là một trong những loại chấn thương phổ biến nhất. Loại chấn thương này dao động ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trong trường hợp nặng, người bị chấn thương cột sống sẽ trải qua những cơn đau dữ dội, thậm chí chịu ảnh hưởng suốt đời, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

leftcenterrightdel
 Mang đai lưng khi squat hay deadlift sẽ giúp giảm nguy cơ chấn thương cột sống

Để giảm nguy cơ chấn thương cột sống khi vận động, tập luyện thì mọi người cần lưu ý những điều sau:

Tăng cường cơ cốt lõi

Khi chơi các môn thể thao đòi hỏi sức mạnh thì cơ cốt lõi đóng ai trò hết sức quan trọng. Cơ cốt lõi mạnh mẽ sẽ giúp hỗ trợ chức năng cột sống. Nếu các nhóm cơ này yếu thì áp lực lên cột sống sẽ tăng, từ đó làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm hoặc nứt gãy xương cột sống.

Các nhóm cơ trong cơ cốt lõi là cơ bụng, cơ hông và cơ lưng dưới. Những bài tập phổ biến giúp tăng cường cơ cốt lõi là plank, gập bụng hoặc squat.

Khởi động đúng cách

Điều đầu tiên cần làm để giảm nguy cơ chấn thương khi tập luyện là khởi động kỹ. Nhờ khởi động, các khớp và cơ trên cơ thể sẽ được kích thích đúng cách, cải thiện mức độ linh hoạt và mức độ bơm máu đến cơ. Những động tác khởi động này cũng cần tập trung vào các khớp quan trọng như hông, vai và cổ tay.

Không tập khi đang mệt mỏi

Một trong những nguyên nhân chính gây chấn thương, trong đó có chấn thương cột sống, khi tập luyện là tập nặng quá sức. Khi cơ thể rơi vào trạng thái quá sức, các khối cơ sẽ bị mỏi và không còn đủ khả năng hỗ trợ vận động cho cột sống, từ đó dễ gây chấn thương.

Đeo thiết bị bảo vệ thích hợp

Tùy vào môn thể thao mà chúng ta cần những dụng cụ bảo vệ phù hợp, từ nón bảo hiểm, nẹp cổ đến đai lưng tập gym. Đặc biệt, đối với những người tập gym, nên mang đai lưng khi squat hay thực hiện bài tập deadlift. Các dụng cụ bảo vệ này cần vừa vặn, nếu không sẽ tăng nguy cơ chấn thương, theo Healthline.

Theo Thanh niên