Trong xã hội hiện đại việc nhiều người quá lạm dụng đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, ăn thiếu rau, uống ít nước hay sử dụng thuốc tùy tiện… sẽ khiến cho cơ thể không chỉ thiếu chất nọ, thừa chất kia mà còn làm cho nhiều cơ quan trong cơ thể làm việc quá tải dẫn đến hệ lụy nguy hiểm với sức khỏe.

1. Nước nông nghiệp nhưng người Việt lại ăn quá ít rau

PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay rất nhiều người trưởng thành đang ăn không đủ lượng rau (rau củ quả - chất xơ) theo khuyến cáo của WHO. Theo khuyến cáo của tổ chức này một người trưởng thành ăn ít nhất 400gr rau/ngày, điều này nếu diễn ra trong một thời gian dài sẽ gây hệ lụy nguy hiểm.

PGS Bạch Mai cho hay, ngoài vai trò cung cấp vitamin, chất khoáng, rau còn có công dụng như “chiếc chổi” để quét cholesterol thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, số liệu điều tra mới nhất cho thấy, 60% nam giới và 50% nữ giới nước ta không ăn đủ lượng rau quả theo tiêu chuẩn. Những loại rau giúp cân bằng lượng cholesterol trong cơ thể là rau lá, có màu sắc như xanh thẫm, đỏ, vàng, cam. Nhóm rau này sẽ tốt hơn những loại rau củ, rau có ít màu.

Việt Nam có nhiều rau và rất đang dạng nhưng người Việt đang ăn thiếu rau.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Phú - Phó chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện 108 cho biết, hiện nay thực phẩm đang trở nên dư thừa vì thế người Việt đang ăn thực phẩm nhiều đạm, thực phẩm chế biến sẵn nhiều mà ăn ít rau. Đây là một nghịch lý vì Việt Nam là nước nông nghiệp rất dồi dào và đa dạng rau xanh nhưng người dân lại ăn không đủ theo khuyến cáo. Việc ăn ít rau sẽ dẫn đến các vấn đề liên quan đến rối loạn chuyển hóa, gây nên các bệnh như đái tháo đường, gút, tăng huyết áp và hệ lụy là suy thận.

2. Nước không thiếu nhưng lại uống không đủ

Lâu nay không ít người có suy nghĩ rằng mỗi ngày uống 2 lít nước là đủ. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng, bởi lượng nước uống vào cơ thể phải tương ứng với trọng lượng cơ thể, được tính theo tỷ lệ 40ml nước/kg cân nặng. Vì thế với những người có trọng lượng cơ thể nặng hơn 50kg thì phải uống nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày. 

PGS Lê Bạch Mai cho biết, việc uống không đủ nước sẽ để lại nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Theo đó, nếu uống nước thường xuyên, bài tiết nước tiểu tốt thì sẽ rất tốt cho cơ thể, cuốn trôi những chất khoáng cần đào thải. Nhưng nếu uống ít nước lại nhịn tiểu sẽ gây tái hấp thu, làm cho các chất đáng lẽ cần thải ra ngoài thì lại lắng đọng, gây sỏi thận.

Uống nước phải chia đúng theo tỷ lệ cân nặng. (Ảnh minh họa)

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, uống nước ở đây phải là nước tinh khiết, nước lọc, chứ hoàn toàn không phải các loại nước ngọt chứa đường, gas thì lại tạo môi trường axit lớn, dễ kéo canxi trong cơ thể ra, tạo muối canxi lắng đọng hình thành sỏi thận.

Ngoài ra, việc nhiều người uống nước hoa quả, đây cũng là điều tốt nhưng không thể uống loại nước này thay nước lọc, nước tinh khiết. Đặc biệt là rượu bia, cần hạn chế sử dụng.

3. Đã ăn thiếu rau, lười uống nước nhưng lại ăn quá mặn

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Theo nghiên cứu, một người Việt Nam trưởng thành ăn khoảng 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phú cho biết việc ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng trương lực thành mạch, ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ suy thận.

Ăn mặn để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Bác sĩ Phú cho biết, đối với những người đang mắc bệnh thận việc ăn uống đúng lượng muối theo khuyến cáo của bác sĩ sẽ giúp cho bệnh nhân làm chậm quá trình chậm tiến trình phát triển của bệnh từ độ 2 lên độ 3… 

Theo đó, lượng muối nên ăn đối với bệnh nhân thận dưới 3gram/ngày. Nên ưu tiên thực phẩm đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa..., hạn chế thực phẩm giàu đạm nguồn gốc thực vật (đậu, đỗ, vừng, lạc).

4. Tự ý sử dụng thuốc bừa bãi

Thói quen sử dụng thuốc bừa bãi, không theo chỉ định của người Việt theo bác sĩ Phú sẽ làm ảnh hưởng đến gan và thận rất nhiều. Đặc biệt là các loại kháng sinh và lạm dụng corticoid. Với corticoid nếu dùng không theo chỉ định có thể làm thay đổi nội tiết gây ra đái đường, loãng xương, cao huyết áp, suy thận…

Khuyến cáo đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần đáng kể trong việc phòng ngừa bệnh:

- Nguyên tắc đầu tiên là phải đảm bảo bữa ăn đa dạng, trên 15 loại thực phẩm trong 8 nhóm thực phẩm trong một bữa ăn.
- Không lạm dụng đồ ăn chế biến sẵn như thịt hộp, thịt đỏ, quá nhiều chất béo.
- Chế độ ăn đủ rau, hiện nay đa số người dân mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu về rau, trong khi cần ăn 400gr rau/người/ngày. Rau thiên về xu hướng kiềm hơn để bớt lắng đọng, tạo sỏi thận.
- Không nên ăn mặn, dư thừa natri dễ tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận, tạo nước tiểu khó hơn, dễ ứ đọng tạo sỏi thận.
- Nên hạn chế chất kích thích như trà, cà phê, rượu vì không tốt cho sức khỏe của thận.
- Không lạm dụng các loại đường đơn, đường đôi vì hệ thống điều hòa đường huyết không tốt, rối loạn glucoser… ảnh hưởng chức năng thận.
- Uống đủ nước 2-2,5l nước/ngày; 400ml nước cho 10kg trọng lượng, đảm bảo nước tiểu đi ra không màu vàng đậm, mà chỉ có màu vàng nhạt trong giúp đào thải mọi cặn bã trong đó thường xuyên nhất.
- Vận động thường xuyên từ 30 đến 45 phút/ngày và 5 ngày/tuần, giảm cơ hội lắng đọng chất khoáng tạo sỏi thận.

Lê Phương