Không ít chị em phụ nữ sợ bị thiếu máu sau kỳ kinh nguyệt nên trong những ngày "đèn đỏ" ra sức ăn những đồ mang tính bổ huyết mà không biết đó là việc làm sai lầm.
Bác sĩ sản phụ khoa người Đài Loan (Trung Quốc) Guo Anni cho biết từng gặp một nữ bệnh nhân 23 tuổi đến khám vì máu kinh ra nhiều, kèm theo chóng mặt. Nhưng bác sĩ sau khi kiểm tra không phát hiện ra điều gì bất thường nên cảm thấy khá kỳ lạ không hiểu tại sao lại có nhiều máu kinh nguyệt trong khi buồng trứng và nội mạc tử cung đều bình thường.
Cô gái ăn món bổ khí huyết nên khiến máu kinh ra nhiều hơn. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, bệnh nhân nói rằng kinh nguyệt của cô ấy trước đây rất bình thường, đây là lần đầu tiên lượng máu tăng mạnh. Khi bác sĩ Guo Anni nghe thấy điều này liền hỏi bệnh nhân gần đây ăn gì. Bệnh nhân suy nghĩ một lúc rồi cho biết vì thời tiết lạnh nên bạn trai đưa cô đi ăn gà ngâm rượu sochu với hy vọng bổ sung năng lượng, làm ấm cơ thể.
Sau khi nghe xong, bác sĩ Guo Anni liền hiểu ra, cô giải thích rằng gà ngâm rượu là dược liệu bổ khí huyết, đương nhiên sẽ làm lượng máu kinh tăng lên. Bác sĩ cũng căn dặn cô gái nếu sợ thiếu máu sau kinh nguyệt có thể ăn những thực phẩm giàu sắt như thịt bò, gan lợn, các loại rau củ quả bổ sung sắt…, nên tránh các loại thực phẩm thúc đẩy tuần hoàn máu.
4 thực phẩm cần tránh trong kỳ kinh nguyệt kẻo vừa đau lại dễ tăng cân
Bác sĩ Guo Anni cũng nhắc nhở rằng ăn uống đồ bổ hay thuốc bổ phải phù hợp với tình trạng kinh nguyệt, đồng thời chia sẻ 4 thực phẩm kiêng kỵ chính trong thời kỳ kinh nguyệt nếu không muốn bị khó chịu hay tăng cân sau khi hết "đèn đỏ".
1. Bớt ăn đồ sống, đồ lạnh
Khi đến kỳ kinh nguyệt, hệ miễn dịch sẽ yếu hơn, ăn đồ sống dễ gây nhiễm trùng. Nếu đang bị đau bụng kinh mà ăn đồ lạnh còn khiến các cơn co thắt tử cung nặng hơn. Hơn nữa, ăn đồ lạnh trong thời kỳ kinh nguyệt một mặt sẽ cản trở quá trình tiêu hóa, đồng thời làm tổn thương dương khí của con người, dẫn đến máu kinh ứ trệ, ra ít hơn. Ngay cả những thực phẩm có tính mát như cua, dưa chuột, lê...
2. Tránh đồ ăn cay, nóng
Đồ ăn cay, nóng sẽ khiến cơn đau bụng kinh trở nên trầm trọng hơn. Kể cả những loại gia vị như như quế, tiêu, đinh hương, hồ tiêu,... Tuy chỉ là gia vị thêm chút vào món ăn để dậy mùi hơn nhưng tính cay nóng của chúng rất lớn. Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt nếu ăn sẽ dễ dẫn đến đau bụng kinh và lượng máu kinh ra nhiều.
3. Bạn có thể ăn chocolate, nhưng không nên ăn quá nhiều
Một lượng nhỏ chocolate có thể giúp giải phóng endorphin và khiến con người cảm thấy vui vẻ, nhưng một lượng lớn sẽ khiến cơn đau bụng kinh trở nên trầm trọng hơn và khiến bạn béo phì.
Đồng thời, đường sẽ tiêu hao vitamin B và khoáng chất trong cơ thể, khiến bạn thích ăn đồ ngọt hơn. Ăn đồ ngọt nhiều đường sẽ không giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu trong kỳ kinh nguyệt mà có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone trong cơ thể do lượng đường trong máu không ổn định và làm cảm giác khó chịu trở nên trầm trọng hơn.
4. Không nên cố uống các loại thuốc bổ khí hoạt huyết: như dầu vừng, nhân sâm, rượu... Ăn các loại thuốc hoạt huyết sẽ làm tăng lượng máu kinh.
Nếu muốn bổ máu nên ăn những thực phẩm giàu sắt như gan ngỗng, tiết lợn, tiết vịt, hành lá, rau dền đỏ,… Ngoài ra, trong chế độ ăn uống nên chú ý tới các thành phần thúc đẩy hoặc ức chế sự hấp thụ sắt. Các thành phần thúc đẩy hấp thu sắt chủ yếu bao gồm vitamin C, thịt gia cầm, cá và các loại thịt khác.
Các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, gan có thể ăn trong kỳ kinh nguyệt. (Ảnh minh họa)
Axit tannic trong trà có thể ức chế hấp thu sắt rất mạnh, hàm lượng càng nhiều thì tác dụng càng mạnh, nhưng tăng vitamin C có thể làm giảm bớt những tác dụng ức chế này. Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan, Cheng Hanyu cho rằng nên tránh dùng trà và cà phê trong bữa ăn, nếu thực sự muốn uống thì nên uống cách nhau hai giờ để không cản trở quá trình hấp thụ sắt.