Viêm tiểu phế quản hay gặp ở trẻ
Viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính các phế quản cỡ nhỏ và trung bình do virus gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, rất hay gặp và dễ mắc lại ở trẻ nhỏ trong 2 năm đầu đời. Phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời sẽ cho kết quả tốt, trái lại nếu chẩn đoán muộn có thể khiến bệnh tình nặng lên, gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
Trên thế giới viêm tiểu phế quản là một bệnh khá phổ biến, mỗi trẻ bị ít nhất một lần vào thời kỳ còn nhỏ. Theo thống kê tại Mỹ có gần 120.000 trẻ nhập viện/năm. Việt Nam có nhiều thống kê khác nhau, trong đó tại Bệnh viện Nhi đồng I: 6000 trẻ/năm (trong đó 45% - 50% trẻ phải nhập viện). Bệnh thường mắc vào mùa đông tại miền Bắc (tháng 10, 11,12) và miền Nam vào mùa mưa (tháng 7,8).
Các căn nguyên gây bệnh phổ biến hay gặp là virus, điển hình là RSV (Respiratory Syncitial Virus) chiếm đến 50% - 70%, khả năng lây lan rất cao, có thể thành dịch. Các nhóm nguyên nhân khác như Adenovirus, virus cúm, Mycoplasma pneumoniae, Rhino virus…
Biểu hiện viêm tiểu phế quản
Bệnh viêm tiểu phế quản có thể bắt đầu bằng triệu chứng sổ mũi.
Những triệu chứng ban đầu thường giống như cảm lạnh: Ngạt mũi, chảy nước mũi, ho và sốt nhẹ trong 1 đến 2 ngày. Sau đó, các triệu chứng này sẽ phố biến và tăng lên như:
- Trẻ ho, thở nhanh và thở khò khè.
- Cổ và ngực của trẻ có thể thấy rõ co kéo theo mỗi nhịp thở.
- Trẻ có thể bị sốt từ 4 đến 5 ngày.
- Trẻ bị khó thở sẽ rất mệt hoặc bị thiếu nước.
- Trẻ nôn mửa kèm với ho hay tiêu chảy (phân lỏng, đi cầu nhiều hơn bình thường).
Nặng hơn nữa trẻ có thể sốt cao, bỏ bú, tím tái, có dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái.
Ngoài các biểu hiện để chuẩn đoán bệnh, các bác sĩ còn chỉ định làm xét nghiệm để phân biệt với các bệnh khác như:
– Hen phế quản: Rất khó phân biệt với những cơn hen đầu tiên, cần dựa vào tiền sử dị ứng bản thân và gia đình, đáp ứng với thuốc giãn phế quản, xét nghiệm máu tăng bạch cầu ái toan, có thể IgE trong máu tăng. Với trẻ trên 18 tháng cần nghĩ đến hen, dù là cơn đầu.
– Viêm phế quản phổi: Bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn (Sốt cao, tăng bạch cầu trung tính, CRP tăng), phổi nghe có ran ẩm nhỏ hạt, X quang có hình ảnh tổn thương nhu mô phổi.
– Ho gà: Ho cơn kéo dài, sau khi ho trẻ có thể tím tái, ngoài cơn ho thì trẻ bình thường. Bạch cầu tăng, lympho tăng. Nghe phổi không có ran.
– Mềm sụn thanh quản: Thường xuất hiện vào tháng thứ 2 sau sinh, khi thở có tiếng rít.
Cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám trong thời gian nhanh nhất có thể nếu: Trẻ thở rất khó hoặc rất nhanh. Trẻ thở khò khè hoặc ngủ li bì. Bụng và xương sườn của trẻ co kéo ở mỗi nhịp thở và phập phồng cánh mũi. Da của trẻ xanh xao, nhợt nhạt hoặc môi trẻ tím tái. Trẻ biểu hiện tức ngực khi thở.
3 ghi nhớ khi chăm sóc bệnh nhân viêm tiểu phế quản
Ngoài việc thực hiện chỉ định của các bác sĩ, cha mẹ cần ghi nhớ những điều sau:
- Cần hạ sốt cho trẻ: Nên nới rộng quần áo của trẻ, cho trẻ nằm phòng thoáng và yên tĩnh. Đặt trẻ ở tư thế phù hợp. Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Trẻ bị sốt nên được dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên theo chỉ định của bác sĩ.
- Cần cho trẻ ăn dinh dưỡng hợp lý: Với trẻ còn bú mẹ, nên tăng cường các bữa bú. Trường hợp những trẻ đã ăn dặm, thức ăn nên chế biến loãng hơn, uống thêm nước theo nhu cầu, có thể là nước lọc, nước ép hoa quả, nước cháo... để làm loãng dịch nhầy đờm đường thở. Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Việc làm thông thoáng đường thở trước khi ăn là cần thiết. Nên sử dụng nước muối sinh lý, sau khi nhỏ muối sinh lý, đợi một lúc để nước mũi loãng ra, rồi dùng dụng cụ hút sạch mũi hoặc có thể dùng miệng để hút mũi trẻ.
- Cần tái khám: Ngoài việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần nhớ phải cho trẻ tái khám. Việc tái khám theo hẹn hoặc khám lại khi có các dấu hiệu bất thường như: Sốt và ho tăng nhiều, khò khè, thở rít hoặc bỏ ăn, bỏ bú, tím tái…
Phòng bệnh là một việc hết sức quan trọng và cần thiết. Trẻ cần được bú mẹ đầy đủ, theo khuyến cáo là bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú tới khi trẻ được 24 tháng tuổi.
Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong thành phần ăn cho trẻ: Chất đạm, chất béo, gluxit, vitamin, muối khoáng… Khi trời lạnh hoặc giao mùa, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ, không để trẻ quá lạnh nhưng cũng không nên để trẻ quá nóng, gây vã mồ hôi, chỉ nên mặc quần áo đủ ấm.
Theo suckhoedoisong.vn