Ung thư vú tiến triển âm thầm, nhưng nó có thể được phát hiện bằng nhiều xét nghiệm sàng lọc khác nhau - bao gồm cả việc tự khám vú bạn có thể làm tại nhà.

1. Những phụ nữ nào dễ mắc ung thư vú?

Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú bao gồm

  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư vú.
  • Tuổi cao, béo phì (đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh).
  • Sử dụng hormone, đặc biệt là việc phối hợp estrogen và progesterone.
  • Những phụ nữ có sẹo cũ ở tuyến vú (do tiến hành sinh thiết tuyến vú hoặc can thiệp khác ở vú) cũng sẽ có nguy cơ ung thư vú cao hơn.

Tất cả chị em nên tạo thành thói quen quan tâm thường xuyên đến vú của mình, bao gồm việc biết rõ cấu trúc giải phẫu cơ bản của vú và chú ý đến những thay đổi bất thường ở vú.

Nếu nằm trong nhóm người có những yếu tố nguy cơ cao hơn với mắc ung thư vú, có thể bạn sẽ cần phải thực hiện nhiều loại khám sàng lọc khác nhau (ngoài việc tự khám vú) và cần khám sáng lọc thường xuyên hơn.

2. Thời điểm tốt nhất để tự khám vú tại nhà

Thông thường, trước kỳ kinh nguyệt hàng tháng, một số chị em sẽ thấy căng tức và nổi u cục ở vùng ngực. Nguyên nhân là do sự tăng hormone estrogen và progesterone của cơ thể. Hãy kiên nhẫn đợi chu kỳ kinh nguyệt qua đi và ngực lúc này có còn cảm thấy "khác" nữa không.

Thời điểm tốt nhất để tự khám vú là ngay khi chu kỳ kinh nguyệt vừa kết thúc, khi mà tình trạng căng tức vú đã giảm đi và các khối u cục (nếu có) đã trở về tình trạng tự nhiên trước đó. Nếu chu kỳ kinh nguyệt đã kết thúc mà bạn không hết căng tức ngực hoặc các khối u cục bạn sờ nắn thấy trên vú không trở về trạng thái tự nhiên trước đó, thì đó chính là lúc bạn nên tới gặp bác sĩ.

Bạn nên kiểm tra vú vào cùng một thời điểm mỗi tháng, khoảng 3-5 ngày sau khi kỳ kinh kết thúc. Nếu bạn không còn kinh nguyệt nữa, hãy chọn một ngày dễ nhớ, chẳng hạn như ngày đầu tiên hoặc ngày cuối cùng của tháng.

3. Hướng dẫn tự khám vú tại nhà

Thao tác tự khám vú vô cùng đơn giản mà chị em đều có thể thực hiện, theo 5 bước dưới đây:

Bước 1: Quan sát ngực của bạn trong gương, ở tư thế đứng thẳng, hai vai để xuôi, hai tay chống trên hai bên hông. Hãy ghi nhận các dấu hiệu sau:

- Vú có kích thước, hình dạng và màu sắc như thông thường?

- Vú có dáng vẻ đồng đều hai bên, không bị biến dạng hoặc sưng phù?

photo-1666251606441
 

Quan sát ngực của bạn trong gương.

Nếu bạn thấy bất kỳ sự thay đổi nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Da vùng vú thay đổi như da nhăn nhúm lại hoặc da phồng lên hoặc có đám, quầng màu sắc khác;
  • Một bên núm vú có thay đổi vị trí hoặc núm vú bị rút lõm vào trong;
  • Đỏ, đau, nổi mẩn hoặc sưng nề bất kỳ phần nào của vú.

Bước 2: Bạn giơ cả hai cánh tay cao lên và tìm kiếm những thay đổi như trên.

photo-1666251609297
 

Giơ cao cánh tay và tìm kiếm những bất thường ở vú.

Bước 3: Bạn quan sát trong gương, tìm dấu hiệu của sự chảy dịch từ một hoặc cả hai núm vú. Đây có thể là chất lỏng, màu trắng đục như sữa, màu vàng hoặc cũng có thể là máu.

Bước 4: Khám ngực của bạn trong tư thế nằm ngửa: sử dụng tay phải để sờ nắn vú trái và đổi lại dùng tay trái cho vú phải. Thao tác cần nhẹ nhàng, chậm rãi, sử dụng đầu các ngón tay để sờ nắn. Luôn giữ cho các ngón tay thẳng và khép lại với nhau trong khi đưa bàn tay theo chuyển động vòng tròn vừa vặn một phần tư mỗi bên vú cho đến hết toàn bộ vú, không bỏ sót bất cứ phần nào của mỗi bên vú.

photo-1666251610404
 

Tự xoa nắn vú trong tư thế nằm ngửa.

Hoặc bạn có thể chọn vị trí bắt đầu ở núm vú, di chuyển theo vòng tròn lớn hơn và lớn hơn nữa cho đến khi bạn chạm đến mép ngoài của vú. Bạn cũng có thể di chuyển ngón tay lên xuống theo chiều dọc hay theo hàng ngang.

Lưu ý: Luôn nhớ trình tự khám này và áp dụng thống nhất mỗi lần thực hiện để chắc chắn rằng bạn đã sờ nắn toàn bộ nhu mô vú.

Trong quá trình sờ nắn, hãy lưu ý về áp lực lên các mô của vú, từ các mô ở phía trước cho đến mô sâu hơn ở ngực. Theo đó, đối với da và mô ngay bên dưới da, sử dụng áp lực nhẹ; kế tiếp, sử dụng áp lực trung bình cho mô ở giữa ngực và sử dụng áp lực lớn hơn cho các mô ở sâu. Dấu hiệu báo cho bạn biết đã sờ nắn đến mô sâu là bạn sẽ có thể cảm thấy các xương lồng ngực của mình.

Bước 5: Cuối cùng, sờ nắn và cả quan sát toàn bộ ngực của bạn trong khi đang đứng hoặc ngồi. Nhiều phụ nữ thấy rằng cách dễ nhất để cảm nhận ngực là khi da ướt và trơn, vì vậy họ thích thực hiện bước này khi tắm.

Đừng bỏ sót bất cứ phần vú nào của bạn bằng cách sử dụng các động tác tay tương tự được mô tả trong bước 4.

4. Phát hiện u cục liệu có phải ung thư?

Nếu bạn tự khám vú và nhận thấy có bất thường ở vú, thì nhiều khả năng đó chỉ là một khối u lành tính. Dựa trên các kết quả kiểm tra, bao gồm cả việc chụp X-quang tuyến vú bất thường, thì chỉ có từ 10-20% số trường hợp bất thường là bị ung thư vú. Do vậy, bạn không nên quá lo lắng, nhưng cũng không nên coi thường để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Hãy nhớ rằng, vú có u hay cục là điều bình thường. Nhưng nếu nhận thấy những thay đổi khác với thông thường, về kích thước, hình dạng, vú tiết dịch, ngứa, sưng, đau, vú dày lên hoặc lõm vào hay bất cứ những thay đổi nào khác tại vùng da ở vú, thì đó mới là dấu hiệu đáng lo ngại. Khi đó, hãy liên lạc với bác sĩ ngay hoặc đi khám bệnh tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nhất.

Theo suckhoedoisong.vn