Trên thực tế, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh lý về hô hấp trong đó có ho, viêm họng, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Nguyên nhân là do hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ kém dễ bị các virus, vi khuẩn tấn công; ngoài ra, còn do một số cơ quan hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh.

Các triệu chứng sớm của bệnh lý hô hấp thường gặp là tình trạng sổ mũi, ho… Nếu không chăm sóc tốt cho trẻ sẽ rất dễ dẫn đến bệnh tiến triển nặng hơn. Trẻ có thể ho có đờm, đau họng, sốt nhẹ, thở khò khè…

Cha mẹ có thể nhận biết triệu chứng này ở trẻ bằng cách quan sát các biểu hiện sau: Tiếng ho khàn đục và có đờm xuất ra bên ngoài sau khi ho. Trẻ thường xuyên sụt sịt, khi thở tạo ra tiếng, thở rít và chủ yếu thở bằng miệng. Trẻ khó thở thường biểu hiện bằng tình trạng quấy khóc, khó chịu, nhăn mặt khi thở, chán ăn, nếu trẻ bú mẹ thì bú ít…

5 điều cần biết về chăm sóc cho trẻ bị ho có đờm- Ảnh 1.

Ho có đờm là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ.

Khi trẻ ho hoặc ho có đờm cần làm gì?

Nếu tình trạng trẻ ho nhẹ, cha mẹ cần chăm sóc đúng cách: cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nấu thực phẩm mềm, loãng như: cháo, súp và cho trẻ uống nước nhiều hơn. Nếu còn bú mẹ cần tăng cường bú mẹ điều này giúp trẻ tăng sức đề kháng, giúp làm dịu họng, loãng đờm, giảm ho hiệu quả.

Với trường hợp ho nhiều, ho có đờm cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Tại nhà cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện triệu chứng ho, thở khò khè bằng cách.

1. Chú ý đến nhiệt độ cơ thể

Cho trẻ mặc quần áo thích hợp với mùa, tránh mặc quá nhiều khi nóng, mặc quá ít dễ bị lạnh. Có thể sử dụng chườm mát nếu trẻ sốt vì phần lớn các trường hợp trẻ bị ho có đờm và thở khò khè đều do viêm nhiễm hô hấp. Vì vậy trẻ thường có bị sốt nhẹ và mệt mỏi. 

Để làm giảm thân nhiệt, có thể chườm khăn vào trán, nách và bẹn. Nếu sốt cao trên 38,5 độ cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

2. Cần vệ sinh mũi họng sạch sẽ

Khi trẻ ho, việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ rất quan trọng. Cần lấy nước muối ấm pha loãng súc miệng ngày nhiều lần sau mỗi bữa ăn. Nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý để loại bỏ dị nguyên, làm loãng dịch đờm và giúp thông thường đường thở.

3. Sử dụng thảo dược giảm ho

Có thể lấy các loại thảo dược như: lá hẹ, quất hấp với đường phèn hay mật ong hấp cho trẻ uống sẽ giúp làm loãng dịch đờm, làm dịu vùng niêm mạc cổ họng và giảm ho.

4. Bổ sung các loại thức uống giàu vitamin

Khi trẻ ho cần cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng đờm và giảm ho, khó thở. Có thể bổ sung thêm nước ép từ rau củ và trái cây như: nước cam, quýt, dưa hấu… để tăng cường sức đề kháng. Cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn để tránh tình trạng trẻ nôn ói do ho nhiều.

5. Chú ý đến môi trường

Khi trẻ ho, cha mẹ cần tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và các yếu tố kích thích như gió lạnh, lông động vật… Khuyến khích trẻ vui chơi trong thời gian điều trị nhằm nâng cao thể trạng và hỗ trợ ức chế tình trạng nhiễm trùng ở đường hô hấp.

Những việc cha mẹ nên tránh

Khi trẻ bị ho, cha mẹ có tâm lý chung là rất lo lắng nên kiêng khem quá mức hoặc tự ý cho trẻ uống thuốc, điều này khiến tình trạng ho nặng hơn, thậm chí nguy hại đến sức khỏe của trẻ.

Vì vậy cha mẹ không nên kiêng khem quá mức, khi con bị ho không cho ăn tôm, cua hay những loại động vật có vỏ cứng vì nghĩ rằng trẻ sẽ bị kích thích và ho nhiều hơn, thậm chí kiêng cả thịt bò, thịt gà. Điều này hoàn toàn không chính xác, vì chỉ những trường hợp trẻ thật sự bị dị ứng mới cần phải kiêng ăn. Cha mẹ nên cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo uống đủ nước.

Do trẻ ho, dễ nôn nên nhiều cha mẹ không cho bé uống sữa. Tuy nhiên, khi sữa vào trong dạ dày sẽ bị vón cục lại nên sữa không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị ho trào đờm và gây nôn mửa. Trong trường hợp này, cha mẹ nên chia các bữa ăn uống thành nhiều cữ nhỏ hơn tránh trào ngược thức ăn gây khó chịu cho trẻ.

Khi trẻ ho, cha mẹ tuyệt đối không tự mua thuốc cho trẻ. Nhiều trẻ ho, cha mẹ vội mua thuốc kháng sinh, thuốc ho, sổ mũi dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí là dị ứng thuốc. Trẻ bị ho thông thường thì không cần kháng sinh vì kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn.

Việc sử dụng thuốc ho, sổ mũi là cần thiết khi tình trạng này khiến trẻ khó chịu, biếng ăn, khó ngủ. Song có nhiều loại thuốc ho rất tốt cho người lớn nhưng chứa các hoạt chất có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Vì vậy, khi sử dụng thuốc ho cho trẻ, cần lưu ý lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, an toàn và phù hợp với độ tuổi và nên theo sự tư vấn của bác sĩ.

5 điều cần biết về chăm sóc cho trẻ bị ho có đờm- Ảnh 2.

Nên chia các bữa ăn uống thành nhiều cữ nhỏ, tránh trào ngược thức ăn gây khó chịu cho trẻ.

Lời khuyên thầy thuốc

Khi trẻ ho có đờm hay ho kéo dài, kèm theo các biểu hiện khò khè có thể bắt nguồn từ những bệnh lý nghiêm trọng như: viêm tiểu phế quản, hen suyễn, viêm phổi,… Các bệnh lý này kéo dài có thể làm suy giảm chức năng hô hấp và tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nặng nề. 

Vì vậy phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị. Với những trẻ có tình trạng sức khỏe nặng, bác sĩ sẽ đề nghị trẻ điều trị nội trú để dễ dàng theo dõi và kịp thời phát hiện biến chứng.

Ngược lại với những trẻ bị ho có đờm, khó thở và thở khò khè do các bệnh hô hấp nhẹ như viêm mũi dị ứng, viêm VA,… bác sĩ có thể kê đơn thuốc và hướng dẫn mẹ một số cách chăm sóc, điều trị tại nhà.

Theo suckhoedoisong.vn