Một trong những biện pháp giúp giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa là tránh xa các tác nhân gây hại như phấn hoa, mạt bụi, bào tử nấm mốc, … Tuy nhiên, khi tập thể dục ngoài trời, việc tiếp xúc với phấn hoa, bụi mạt là điều khó tránh khỏi. Nhiều người băn khoăn rằng liệu bị dị ứng theo mùa có nên tập thể dục ngoài trời không?
Theo Pramod S. Kelkar MD - chủ tịch Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ: "Những người bị dị ứng và hen suyễn có thể tập thể dục ngoài trời, giống như bất kỳ ai khác. Miễn là họ đang được điều trị và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, họ thực sự không cần phải hạn chế hoạt động nhiều."
Vậy làm thế nào để có thể duy trì việc tập thể dục ngoài trời mà không làm trầm trọng các triệu chứng dị ứng?
1. Xác định tác nhân gây dị ứng và điều chỉnh thời gian tập luyện phù hợp
Đầu tiên, bạn nên xác định được yếu tố gây ra tình trạng dị ứng của bản thân. Sau đó thay đổi thời gian tập luyện phù hợp.
Ví dụ: Nếu bạn nhạy cảm với các bào tử nấm mốc, bạn nên tập thể dục ngoài trời vào buổi tối và sáng sớm. Vì mức độ nấm mốc bắt đầu tăng lên khi mặt trời mọc và các bào tử nấm mốc trên cây bắt đầu bốc hơi.
Hoặc như phấn hoa của cỏ phấn hương thường cao nhất vào cuối buổi sáng đến đầu giờ chiều. Vì vậy, bạn nên cân nhắc khi chạy vào buổi sáng nếu bạn bị dị ứng với loại phấn hoa này.
Tuy nhiên, khoảng thời gian nào cũng sẽ có phấn hoa, nấm mốc, phấn cỏ, ... chỉ là mức độ cao hay thấp. Do đó, khi tập thể dục vào khoảng thời gian nào, bạn cũng nên thận trọng.
|
|
Nên tập thể dục vào sáng sớm khi lượng phấn hoa còn chưa tăng (Ảnh: Internet)
|
2. Đeo khẩu trang và kính râm
Nếu bạn bị dị ứng theo mùa, một trong những lựa chọn khi tập thể dục ngoài trời cho bạn là đeo khẩu trang và kính râm.
Kính râm sẽ ngăn ngừa những chất gây dị ứng tác động đến mắt, giúp giảm tình trạng ngứa mắt, chảy nước mắt.
Đeo khẩu trang có thể làm giảm phơi nhiễm với chất gây dị ứng. Tuy nhiên, cần lưu ý bạn chỉ nên đeo khẩu trang với các hoạt động ngoài trời như đi bộ hoặc làm vườn. Đối với các bài tập thể dục cần gắng sức như chạy bộ, đạp xe, ... việc đeo khẩu trang có thể ảnh hưởng và gây cản trở luồng không khí khi chúng ta hít thở.
Hơn nữa, khi đeo khẩu trang tập luyện, mọi người nên lưu ý không nên chọn loại khẩu trang quá dày. Nếu cảm thấy địa điểm tập luyện có ít tác nhân gây hại, bạn có thể bỏ khẩu trang để hít thở, sau đó nên đeo lại.
3. Lựa chọn địa điểm tập thể dục phù hợp
Cách thức và địa điểm tập thể dục ngoài trời cũng có thể tác động lớn đến các triệu chứng dị ứng theo mùa. Ví dụ, bạn nhạy cảm với phấn hoa cỏ, thì có lẽ chơi bóng đá không phải là lựa chọn phù hợp.
Do đó, nếu bạn bị dị ứng theo mùa, tốt nhất nên tránh tập thể dục ở những nơi có nồng độ chất gây dị ứng và kích thích cao, chẳng hạn như: cánh đồng, khu vực có nhiều cây cối và các địa điểm gần đường hoặc nhà máy đông đúc.
Ngoài ra, Jay M. Portnoy MD - chủ tịch Đại học Dị ứng, Hen và Miễn dịch học Hoa Kỳ (ACAAI) cho biết: "Các hạt diesel do ô tô và xe tải thải ra có thể bám vào các chất gây dị ứng như phấn hoa thậm chí còn mạnh hơn và có hại hơn. Do đó, vào những ngày có mức độ ô nhiễm đặc biệt cao, bạn có thể bỏ qua việc tập thể dục thường ngày ở ngoài trời."
|
|
Không nên tập thể dục ở những nơi có nhiều cây cối, cánh đồng hoặc khu vực nhiều phương tiện đi lại (Ảnh: Internet)
|
4. Sử dụng thuốc dị ứng
Nếu bạn bị dị ứng với nấm mốc hoặc phấn hoa với các triệu chứng trầm trọng nhưng vẫn muốn tập thể dục, lựa chọn tốt nhất cho bạn là sử dụng thuốc dị ứng.
Một số loại thuốc có thể được sử dụng để quản lý tình trạng dị ứng, chẳng hạn như Thuốc kháng histamine - loại thuốc này nên ưu tiên sử dụng dạng xịt vì có tác dụng giảm nghẹt mũi nhanh chóng, steroid nhỏ mũi như Flonase (fluticasone), Nasacort (triamcinolone) hoặc Rhinocort (budesonide), …
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mọi người vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, kể cả những loại thuốc không kê đơn.
5. Một số lưu ý khác cho những người bị dị ứng theo mùa khi tập thể dục ngoài trời
Ngoài những lưu ý trên, bạn có thể thực hiện các biện pháp khác để kiểm soát các triệu chứng dị ứng theo mùa khi tập thể dục ngoài trời như:
- Tránh các khu vực ít gió: Thời tiết khô, nhiều gió có thể làm cho các triệu chứng dị ứng theo mùa trở nên tồi tệ hơn.
- Lựa chọn bài tập phù hợp: Khi bạn đang có các triệu chứng dị ứng, bạn nên thử kết hợp các động tác kéo giãn cơ, yoga và tăng cường sức mạnh toàn thân thay vì các hoạt động đòi hỏi sức bền như chạy bộ.
- Thực hiện một số bài tập trong nhà: Để giảm khoảng thời gian tiếp xúc với các chất gây dị ứng, bạn có thể dành nửa thời gian tập luyện ngoài trời, một nửa còn lại tập luyện trong nhà.
Tuy nhiên, khi tập thể dục trong nhà, hãy đảm bảo các thiết bị và môi trường tập luyện được sạch sẽ, không ẩm ướt, bí bách và bị nấm mốc.
- Tắm rửa sau khi tập thể dục ngoài trời: Khi tập luyện ngoài trời, phấn hoa hoặc cỏ, bụi có thể bám vào người bạn - đây là tác nhân gây trầm trọng các triệu chứng dị ứng. Do đó, sau khi tập luyện xong, khi trở về nhà bạn nên tắm rửa và thay quần sao sau đó. Nếu bạn không thể tắm, bạn có thể thay quần áo, rửa tay, lau rửa mũi và mắt.
- Bổ sung đủ nước: Uống đủ nước sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước sau tập thể dục. Hơn nữa, bổ sung đủ nước cũng sẽ giúp giảm các triệu chứng dị ứng như nghẹt mũi, mệt mỏi, …
- Nên cân nhắc tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh: Thời tiết quá lạnh có thể làm trầm trọng các triệu chứng của bệnh đường hô hấp như nghẹt mũi, sổ mũi, ... Do đó, những người bị dị ứng nên ở nhà trong khoảng thời gian này, nếu cần thiết tập thể dục nên lựa chọn tập trong nhà, nếu ra ngoài nên che miệng và mũi bằng khăn quàng cổ để giúp làm ấm không khí trước khi vào phổi.
Có thể nói, những người bị dị ứng theo mùa vẫn có thể tập luyện ngoài trời nếu như chủ động thực hiện những biện pháp phòng ngừa phù hợp. Thể dục đều đặn đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ, do đó dù bạn bị dị ứng, hãy lựa chọn những phương pháp phù hợp để duy trì thói quen tập luyện này.
Vân Anh/Nguồn: Everydayhealth.com