1. Nguyên nhân và phân loại quầng thâm mắt
Vùng da quanh hốc mắt không chỉ rất mỏng mà còn có rất ít mô dưới da. Ở đây tập trung rất nhiều mạch máu. Khi máu và bạch huyết quanh mắt lưu thông kém, như thiếu ngủ, mệt mỏi quá mức và tĩnh mạch kém hồi lưu, dẫn đến xuất hiện quầng thâm mắt, thậm chí sưng tấy dưới mắt.
Quầng thâm mắt có thể chia thành 3 loại:
- Quầng thâm sắc tố do di truyền bẩm sinh hoặc mắc phải, là quầng thâm mạn tính, nguyên nhân bao gồm dị ứng, dụi mắt lâu ngày, tia cực tím, gây lắng đọng melanin, tẩy trang không đúng cách và kích ứng mạn tính... gây hình thành sắc tố, khiến vùng da quanh mắt thâm xỉn màu.
- Quầng thâm mạch máu là quầng thâm cấp tính do thiếu ngủ, thức khuya, mắt hoạt động quá mức khiến máu lưu thông chậm, ngăn cản hồng cầu cung cấp oxy cho mắt, gây thiếu oxy cho da. Ngoài ra, dị ứng mũi hoặc nghẹt mũi có thể gây tắc nghẽn tĩnh mạch ở hốc mắt dưới, tuần hoàn kém cũng có thể gây ra quầng thâm.
- Quầng thâm do lão hoá, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khiến mí mắt bị lão hóa, chảy xệ, đồng thời các nếp nhăn, đường nhăn trên da tạo thành quầng thâm quanh mắt.
2. Cách giảm thâm mắt hiệu quả
Quầng thâm mắt có thể được cải thiện bằng cách:
- Vật lý trị liệu: Chườm nóng, xoa bóp, có thể thúc đẩy quá trình lưu thông máu và bạch huyết... đồng thời có thể kích hoạt quá trình trao đổi chất, cải thiện, làm giảm quầng thâm.
- Không thức khuya: Ngủ đủ giấc có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của quầng thâm. Nên duy trì giấc ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm và cố gắng đi ngủ trước 11 giờ tối.
- Chống nắng: Tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều là một trong những nguyên nhân gây ra quầng thâm. Dùng kem chống nắng có thể làm giảm sự xuất hiện của quầng thâm.
Bạn có thể chọn loại kem chống nắng phù hợp. Ví dụ, nếu tiếp xúc với ánh nắng cả ngày thì tốt nhất nên chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF40 - 50. Mặt khác, nếu có thiết bị che nắng và không tiếp xúc nhiều có thể chọn kem chống nắng SPF30.
- Liệu pháp thực phẩm: Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, E và collagen như chanh, cam, kiwi, cà chua, măng tây, trứng… Những thực phẩm này rất giàu chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng có thể giúp giảm vấn đề quầng thâm và bọng mắt. Ngoài ra, uống nhiều nước cũng rất quan trọng, có thể giúp thải độc từ đó làm giảm sự hình thành quầng thâm.
- Kem dưỡng mắt: Sử dụng kem mắt có chứa vitamin K và caffeine để làm giảm quầng thâm và bọng mắt. Vitamin K có thể thúc đẩy quá trình đông máu, sửa chữa mạch máu, từ đó làm giảm quầng thâm; trong khi caffeine có thể thu hẹp các mao mạch, giảm phù nề và bọng mắt.
Việc lựa chọn loại kem dưỡng mắt phù hợp với loại da và sử dụng đúng cách có thể giúp cải thiện vấn đề quầng thâm. Cần lưu ý rằng thành phần của các nhãn hiệu sản phẩm khác nhau có thể khác nhau. Bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi mua và sử dụng.
Nếu áp dụng các biện pháp trên không cải thiện được tình trạng thâm mắt, có thể cân nhắc việc điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thẩm mỹ để xử lý quầng thâm mắt một cách an toàn.
Một số biện pháp có thể áp dụng bao gồm:
- Điều trị bằng laser, liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao: laser ruby (694-nm ), laser alexandrite (755-nm), laser Nd:YAG (1064-nm)...
- Điều trị bằng các loại thuốc bôi tại chỗ (chất khử sắc tố): Hydroquinone, tretinoin
- Lột da hóa học: Axit trichloroacetic, axit trái cây.
- Tiêm chất làm đầy: Collagen, axit hyaluronic, axit hyaluronic
- Cấy mỡ tự thân...
Theo suckhoedoisong.vn