CNN đưa tin, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, ước tính trên thế giới mỗi năm có 420.000 người tử vong do ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Trong đó, tính riêng tại Mỹ, CDC ghi nhận mỗi năm ước tính có khoảng 3.000 người tử vong do thực phẩm gây nên.

Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, chỉ riêng trong tháng 6/2020, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 393 người bị ngộ độc.

Do đó, để ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm và nguy cơ nhiễm độc xảy ra chúng ta cần hiểu rõ cách chế biến an toàn các loại thực phẩm.

1. Các loại thịt đỏ và thịt gia cầm

Hầu hết gia cầm sống đều chứa vi khuẩn Campylobacter, Salmonella, Clostridium perfringens... Và thịt sống có thể chứa Salmonella, E.coli, Yersinia… Bởi lý do này, CDC cho rằng, các loại thịt đỏ, thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín kỹ có thể là nguyên nhân gây nên nhiều căn bệnh về đường ruột. Vì vậy, cần đảm bảo nấu chín kỹ thịt gia cầm và thịt đỏ. CDC cũng khuyên nên bảo quản thịt ở nhiệt độ 40 độ F hoặc lạnh hơn, nên chia thịt thành những phần nhỏ để đảm bảo việc bảo quản và ngăn vi khuẩn phát triển tốt hơn.

Thịt đỏ và thịt gia cầm cần được nấu chín kĩ (Ảnh Internet)

2. Rau xanh và trái cây cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc

Rau xanh và trái cây là những loại thực phẩm tốt nhất cho cơ thể. Tuy nhiên trong hoa quả và rau xanh cũng có thể chứa các mầm bệnh có hại như: Salmonella, E.coli và Listeria. Ngoài ra, các loại rau mầm cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc vì vi trùng có thể phát triển trong môi trường trồng ẩm ướt.

Để đảm bảo sức khỏe, trước khi ăn, mọi người cần phải rửa sạch hoa quả và nấu chín rau. Bên cạnh đó cần chú ý những điểm sau trong lựa chọn, bảo quản và chế biến:

- Chọn sản phẩm tươi, chín tự nhiên, không bị dập nát và không chứa hóa chất.

- Bảo quản riêng trái cây, rau quả với thịt sống, thịt gia cầm và hải sản trong các hộp đựng thực phẩm khác nhau. Đối với những loại trái cây đã được cắt, gọt vỏ phải bảo quản trong tủ lạnh (trong vòng 2 giờ)

- Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nhà bếp và bề mặt (dao, thớt, bàn...) trước khi sơ chế thực phẩm.

Rửa sạch hoa quả và rau xanh trước khi chế biến (Ảnh Internet)

3. Sữa tươi chưa thanh trùng

Sữa tươi và chế phẩm từ sữa được xếp vào nhóm những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao vì trong thành phần chứa đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển, khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng và phòng chống bệnh tật.

Tuy nhiên, CDC khuyến nghị, sữa chưa tiệt trùng có thể mang mầm bệnh có hại bao gồm: Campylobacter, Cryptosporidium, E.coli, Listeria và Salmonella gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, CDC khuyến nghị mọi người chỉ uống sữa tươi đã được thanh trùng để đảm bảo sức khỏe

Sữa tươi sẽ chỉ thực sự an toàn khi được thanh trùng đúng cách (Ảnh Internet)

4. Trứng gà

Vi khuẩn salmonella có thể xâm nhập vào trứng ngay từ khi trứng hình thành trong cơ thể gà và có thể xảy ra sau khi gà đẻ trứng. Nhiễm vi khuẩn salmonella thường khiến người bệnh bị tiêu chảy, đau quặn bụng, sốt và nôn mửa, nặng hơn sẽ cần phải nhập viện để điều trị kịp thời.

Các chuyên gia của CDC khuyên rằng, mọi người nên nấu chín trứng trước khi ăn để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella.

Bên cạnh đó, cần chú ý một số lưu ý sau:

- Bảo quản trứng trong tủ lạnh ở 40 độ F, tức gần 4, 5 độ C hoặc thấp hơn

- Sử dụng trứng trong vòng 4- 5 tuần, không lưu trữ quá lâu.

- Tránh các thực phẩm có chứa trứng sống hoặc nấu chưa chín kỹ.

Bảo quản trứng trong tủ lạnh ở 4 -5 độ C (Ảnh Internet)

5. Hàu sống và các loại hải sản chưa nấu chín

Hàu sống và các loại hải sản chưa nấu chín khác có thể khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng, ngộ độc do vi khuẩn Vibrio gây ra.

Vi khuẩn Vibrio thường gây ra các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng. Nhưng những người mắc những bệnh mãn tính như: bệnh gan, tiểu đường, viêm loét dạ dày,... nếu bị nhiễm khuẩn thì hệ miễn dịch sẽ bị suy yếu nhanh chóng, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Vì sự nguy hiểm trên nên hàu đứng ở vị trí khá cao trong bảng xếp hạng những món ăn mang lại nhiều rủi ro nhất nếu ăn không đúng cách. Do đó, CDC khuyến cáo: Tránh ăn hàu sống, tái và nấu chín hàu hoàn toàn trước khi ăn.

Những khuyến cáo này được đưa ra nhằm giúp mọi người có thể tránh được tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm bệnh. Người bị bệnh thực sự không chỉ tiêu tốn một khoản tài chính để chăm sóc, điều trị, mà họ còn trở nên mệt mỏi, thậm chí không thể tiếp tục làm việc.

Trang Lê