1. Khi nào cần bổ sung chất điện giải?
Chất điện giải là những khoáng chất thiết yếu như: canxi, natri, kali, clorua, magie… có thể hòa tan trong dịch cơ thể tạo ra các ion tích điện. Các chất điện giải có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, thúc đẩy các cơ hoạt động và các quá trình khác dễ dàng, hiệu quả hơn.
Một số vai trò chính của chất điện giải trong cơ thể như sau:
- Canxi: giúp co cơ, truyền tín hiệu thần kinh, đông máu, phân chia tế bào và hình thành/duy trì xương và răng.
- Kali: giúp duy trì huyết áp ổn định, điều hòa sự co bóp của tim, hỗ trợ chức năng cơ bắp.
- Magie: cần thiết cho sự co cơ, nhịp tim thích hợp, hoạt động thần kinh, tạo xương và sức mạnh, giảm lo lắng.
- Natri: giúp duy trì cân bằng chất lỏng, cần thiết cho sự co cơ và giúp truyền tín hiệu thần kinh.
- Clorua: duy trì cân bằng chất lỏng...
Cơ thể chúng ta cần các chất điện giải để giúp các dây thần kinh hoạt động, thở, kiểm soát huyết áp, hình thành xương, duy trì cân bằng độ pH thích hợp và tạo ra protein trong tế bào. Cần thiết để duy trì đủ lượng nước cho tế bào với sự cân bằng chất lỏng thích hợp.
Tuy nhiên, cơ thể cũng dễ mất chất điện giải qua nước tiểu, máu và mồ hôi. Nếu mất quá nhiều sẽ gây ra rối loạn điện giải. Khi đó cần phải bổ sung để cân bằng điện giải trong cơ thể.
2. Cách bổ sung chất điện giải an toàn
Theo các chuyên gia y tế, ngoài những trường hợp cần bổ sung thêm chất điện giải như các vận động viên tập luyện sức bền kéo dài cần uống điện giải để bù lại lượng điện giải bị mất do đổ mồ hôi quá nhiều; những người bị sốt cao, nôn mửa và tiêu chảy nặng... thì cách tốt nhất để bổ sung lượng chất điện giải cần thiết là thông qua chế độ ăn uống.
Trong nhiều trường hợp, sự mất cân bằng điện giải mức độ nhẹ có thể được khắc phục bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng nhiều thực phẩm tươi sống nguyên chất tại nhà. Có nhiều nguồn thực phẩm tự nhiên như các loại trái cây, rau, hạt, quả hạch… đều chứa các chất điện giải cần thiết.
Ăn thực phẩm giàu kali
Cơ thể chúng ta phụ thuộc vào kali để điều chỉnh huyết áp, trương lực mạch máu, nhu động đường tiêu hóa, cân bằng chất lỏng và điện giải. Một chế độ ăn giàu kali có thể đủ để giải quyết các vấn đề như nồng độ kali thấp có thể dẫn đến các vấn đề về huyết áp và rối loạn điện giải.
Có rất nhiều thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày có chứa kali, đặc biệt là các loại rau củ (rau bina, cải xoăn, cải thìa, bông cải xanh, cà rốt, khoai tây, khoai lang, đậu Hà Lan, cà chua, dưa chuột, bí xanh, cà tím, bí ngô); sữa, sữa chua; trái cây tươi (bơ, táo, cam, chuối); trái cây khô (mơ khô, mận khô, chà là)…
Bổ sung nguồn thực phẩm giàu magie
Mặc dù có nhiều sản phẩm giúp bổ sung magie nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên bổ sung nguồn thực phẩm giàu magie thông qua chế độ ăn uống.
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, nhu cầu magie hàng ngày của người tuổi 20-69, nam giới cần đủ 340-379mg/ngày; nữ giới cần 270 -290mg/ngày. Để có đủ magie, trong thực đơn hằng ngày cần lựa chọn các thực phẩm giàu magie như: hải sản, thịt, các loại rau lá màu xanh đậm, đậu đỗ, vừng, lạc, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt...
Ăn các loại rau quả chứa nhiều nước
Để ngăn ngừa tình trạng mất nước và phục hồi chất điện giải, nên tập trung ăn những loại rau củ, trái cây chứa nhiều nước và điện giải như: Rau cần tây, dưa hấu, dưa chuột, dứa, trái cây họ cam quýt…
Dưa chuột chứa khoảng 95% là nước nên ăn dưa chuột giúp làm dịu cơn khát, làm mát cơ thể một cách tự nhiên và là cách tuyệt vời để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Dưa hấu cũng chứa tới 92% là nước, vì vậy ăn dưa hấu là một cách đơn giản để giúp giữ nước cho cơ thể. Dưa hấu không chỉ có hàm lượng nước cao mà còn chứa nhiều kali, một khoáng chất bổ sung điện giải có thể làm giảm chứng chuột rút khi tập thể dục.
Nước dừa là loại thức uống lành mạnh giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể.
Uống đồ uống tự nhiên chứa chất điện giải
Một trong những loại thức uống tự nhiên tốt cho sức khỏe và cung cấp điện giải tốt nhất là nước dừa. Ngoài hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào, chất dinh dưỡng chính trong nước dừa là kali, đồng thời cũng chứa cả natri, canxi và magie, những khoáng chất quan trọng để duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
Các khoáng chất có trong nước dừa như: kali, natri, canxi, magie, selen, đồng, kẽm... rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào.
Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa giúp cân bằng điện giải, làm tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ, điều tiết chất lỏng, giúp bổ sung và bù nước cho cơ thể. Vì vậy, nước dừa thường được dùng uống bù nước hiệu quả nhằm bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp bài tiết qua mồ hôi khi thời tiết nắng nóng, khi tập luyện thể thao hay mất nước do nôn, sốt, tiêu chảy…
Chú ý thực phẩm giàu canxi
Để có đủ canxi một cách tự nhiên mà không cần dùng thuốc bổ sung, bạn nên tăng cường ăn các sản phẩm sữa tươi nguyên chất. Các loại thực phẩm như sữa chua, pho mai tươi và sữa tươi cung cấp canxi và hàm lượng chất điện giải cao.
Nếu không ăn được các thực phẩm từ sữa, bạn vẫn có thể nhận được canxi từ các loại rau lá xanh, đậu và đậu nành.
Theo suckhoedoisong.vn