1. Vai trò của insulin với bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường là một căn bệnh mạn tính, xảy ra khi cơ thể không sử dụng đường (glucose) đúng cách. Nồng độ glucose được kiểm soát bởi một loại hormone gọi là insulin. Insulin được tạo ra ở tuyến tụy, một cơ quan nằm phía sau dạ dày.

- Trong bệnh đái tháo đường type 1, tuyến tụy không tạo ra insulin.

- Trong bệnh đái tháo đường type 2, cơ thể không sử dụng hoặc phản ứng không đúng cách (gọi là kháng insulin).

Ngoài ra, ở một số người, tuyến tụy không tạo ra đủ insulin.

5 quan niệm sai lầm về insulin ở người bệnh đái tháo đường- Ảnh 1.
Insulin là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự xuất hiện các biến chứng cấp và mãn tính của bệnh đái tháo đường.

Insulin là một phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường, đồng thời cũng là loại thuốc cổ điển lâu đời nhất vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Với việc phát hiện ra insulin, bệnh đái tháo đường đã chuyển từ một "căn bệnh chết người" thành một bệnh mạn tính cần quản lý liên tục và lâu dài.

‎Hiện nay, nhiều phương pháp điều trị bệnh đã được phát triển, nhưng insulin vẫn là phương pháp điều trị không thể thay thế đối với những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 và cả đái tháo đường type 2 bị suy giảm khả năng tiết insulin.

Tuy nhiên, thực tế là hầu hết bệnh nhân đái tháo đường type 2 khi được chỉ định, đều miễn cưỡng điều trị vì những lý do như ác cảm với việc tiêm, sợ hạ đường huyết, hiểu lầm về điều trị bằng insulin. Việc từ chối hoặc trì hoãn điều trị, lượng đường trong máu càng khó kiểm soát và nguy cơ biến chứng nghiêm trọng của bệnh như bệnh tim mạch hoặc bàn chân đái tháo đường có thể tăng lên.

Mặt khác, nếu bắt đầu điều trị kịp thời sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Ngoài ra, điều trị bằng insulin là cách hiệu quả nhất để bảo vệ chức năng của tế bào beta chịu trách nhiệm tiết insulin trong tuyến tụy.

Do đó, khi cần phải dùng điều trị sớm thì việc kiểm soát lượng đường trong máu sẽ tốt ngay cả khi dùng liều thấp hơn, nguy cơ tăng và hạ đường huyết sẽ giảm đáng kể. Vì vậy có thể nói đây là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự xuất hiện các biến chứng cấp và mạn tính của bệnh đái tháo đường.

5 quan niệm sai lầm về insulin ở người bệnh đái tháo đường- Ảnh 2.

Khi được bác sĩ chỉ định dùng insulin, người bệnh nên tuân thủ điều trị.

2. Những hiểu lầm thường gặp về insulin

Bệnh nhân đái tháo đường type 2 không cần điều trị bằng insulin: Nhiều người cho rằng việc điều trị bằng insulin chỉ dành cho bệnh đái tháo đường type 1 và không cần dùng để điều trị bệnh đái tháo đường type 2. 

Tuy nhiên, đái tháo đường type 2 là một bệnh tiến triển được đánh dấu bằng sự mất dần chức năng tế bào beta và hầu hết bệnh nhân sau này sẽ cần phải điều trị bằng insulin. Thông thường, sau 10 đến 20 năm, khi thay đổi lối sống và thuốc men không giữ được mức đường huyết trong phạm vi mục tiêu, bệnh nhân đái tháo đường loại 2 sẽ bắt đầu điều trị bằng insulin. Điều này nên được xem như một phần sinh lý của bệnh chứ không phải là sự thất bại trong điều trị.

Có thể kiểm soát đường máu suốt đời chỉ bằng thuốc uống: Từ thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh, khả năng tiết insulin của tuyến tụy giảm đi rất nhiều, sau đó, sự tiết insulin giảm dần và sau khoảng 5 năm thì giảm đi đáng kể. Do đó, theo thời gian, việc kiểm soát lượng đường trong máu chỉ bằng thuốc hạ đường huyết đường uống sẽ trở nên khó khăn hơn.

Chỉ những bệnh nhân nặng mới cần điều trị bằng insulin: Nhiều bệnh nhân hiểu lầm rằng điều trị bằng insulin là bước cuối cùng trong điều trị bệnh và một khi đã bắt đầu thì phải dùng suốt đời. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp lượng đường trong máu được kiểm soát hiệu quả thông qua điều trị bằng insulin. Khi đường máu về mức bình thường bệnh nhân có thể chuyển sang uống thuốc hạ đường huyết kết hợp với chế độ ăn và tập thể dục.

Việc tiêm insulin phức tạp và đau đớn: Việc sử dụng insulin có thể thông qua đường tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp. Đường dùng thuốc thường phụ thuộc vào tình trạng và bối cảnh của bệnh nhân. Có nhiều bệnh nhân từ chối điều trị vì sợ tiêm, nhưng không giống như kim dùng để lấy máu hoặc tiêm vaccine, kim đặc biệt dùng trong bút insulin rất mỏng nên việc tiêm hầu như không đau. Ngoài ra, nếu được đào tạo thích hợp, bút có thể được vận hành dễ dàng, bệnh nhân có thể tự tiêm chính xác và dễ dàng mang theo.

Điều trị bằng insulin gây sốc, hạ đường huyết và tăng cân: Gần đây, insulin tác dụng kéo dài, duy trì nồng độ ổn định bằng cách tiêm mỗi ngày một lần mà không thay đổi nồng độ insulin đột ngột, đã được phát triển, làm giảm đáng kể nguy cơ hạ đường huyết. 

Ngoài ra, thuốc tác dụng kéo dài có thể làm giảm việc ăn vặt do nguy cơ hạ đường huyết, do đó giảm gánh nặng tăng cân.

Theo suckhoedoisong.vn