5 sai lầm về bữa sáng người mắc bệnh tiểu đường cần tránh
Bỏ bữa sáng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn. Đồ họa: Thanh Thanh

Bỏ bữa sáng

Bữa sáng có nhiệm vụ kích hoạt quá trình trao đổi chất của bạn sau một đêm nhịn ăn và cũng giúp ổn định lượng đường trong máu. Bỏ bữa sáng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn. Vì vậy, nên ăn bữa sáng cân bằng chất dinh dưỡng trong vòng 2 giờ sau khi thức dậy.

Ăn ngũ cốc và bánh ngọt có đường

Nếu mắc bệnh tiểu đường, tránh bắt đầu ngày mới bằng bánh kẹo. Nhiều loại ngũ cốc ăn sáng và bánh ngọt thường được quảng cáo là tốt cho sức khỏe hoặc ít béo nhưng lại chứa nhiều đường tinh luyện và carbs. Ăn những thực phẩm này mà không cảnh giác có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt.

Thay vì ngũ cốc có đường, chọn ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch và kết hợp với chất làm ngọt tự nhiên như mật ong.

Không ăn theo khẩu phần

Ngay cả khi bạn ăn uống lành mạnh, việc kiểm soát khẩu phần ăn là hoàn toàn cần thiết nếu mắc bệnh tiểu đường. Điều này là do những thực phẩm lành mạnh cũng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nếu ăn với số lượng lớn.

Chế độ ăn kiêng kiểm soát khẩu phần giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Để thực hành điều này, chú ý đến khẩu phần ăn, bổ sung lượng carbs, chất béo và protein thích hợp.

Bỏ qua protein trong bữa sáng

Protein giúp bạn no lâu hơn và ổn định lượng đường trong cơ thể. Bữa sáng giàu protein giúp kiểm soát đường huyết và giảm cảm giác đói ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Kết hợp các món giàu protein như trứng, thịt nạc, đậu phụ,... vào bữa sáng.

Không bổ sung đủ chất xơ

Bữa sáng ít chất xơ có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu, cải thiện độ nhạy insulin và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.

Trong bữa sáng, cố gắng ăn bánh mì nguyên hạt, hạt chia, hạt lanh,... cùng với ngũ cốc nguyên hạt hoặc trái cây.

Theo laodong