Những thực phẩm bạn ăn thường ngày có thể lưu lại vị trong miệng, đặc biệt là những gia vị nặng mùi như tỏi hay hành tây. Mặc dù vậy, hầu hết những vị này đều có thể dần nhạt đi hoặc được loại bỏ bởi các phương pháp vệ sinh răng miệng.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy vị giác thay đổi và kéo dài hơn một vài ngày thì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe. Theo các chuyên gia, nếu cảm thấy 5 vị dưới đây xuất hiện kéo dài trong miệng, bạn có thể đang gặp vấn đề về sức khỏe.
1. Vị đắng
Vị đắng trong miệng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề liên quan đến gan, túi mật như trào ngược dịch vị và dịch mật. Kèm theo vị đắng trong miệng là các triệu chứng khác: hơi thở hôi, đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng...
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra vị đắng ở miệng. Khi lượng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản vượt quá giới hạn bình thường sẽ bệnh nhân cảm thấy đắng miệng, ợ nóng, đau bụng trên, buồn nôn và khàn.
Cùng với đó, vị đắng cũng có thể xuất hiện khi thay đổi nội tiết tố, sức khỏe răng miệng kém, đang sử dụng thuốc, tinh thần căng thẳng...
Các vấn đề về răng miệng như nhiễm trùng nướu răng có thể để lại vị kim loại. Một số dấu hiệu phổ biến khác đi kèm như sưng nướu, chảy máu chân răng, hôi miệng.
2. Vị kim loại
Vị kim loại xuất hiện trong miệng cũng có thể là biểu hiện của chứng rối loạn vị giác. Chứng bệnh này sẽ người bệnh mất đi cảm giác ngon miệng, dễ dẫn đến tình trạng sút cân, suy giảm hệ miễn dịch.
Ngoài ra, sa sút trí tuệ cũng được liệt vào một trong số những căn bệnh có thể mắc phải nếu cảm thấy vị kim loại trong miệng.
Theo tiến sĩ Lewis, những tổn thương thần kinh gây ra bởi sự thoái hóa của não cũng khiến vị giác thay đổi, tạo ra vị kim loại trong miệng. Kèm với đó có thể là một số dấu hiệu như hay quên, khó giao tiếp, khó tập trung, quên tên của bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình, lạc ở nơi quen thuộc…
3. Vị ngọt
Vị ngọt trong miệng có thể đang cảnh báo khả năng mắc bệnh tiểu đường. Bởi khi đó, cơ thể không thể kiểm soát lượng đường trong máu, nồng độ glucose cao gây ra vị ngọt trong miệng.
Nếu các hiện tượng như khô miệng, đi tiểu thường xuyên và tầm nhìn mờ xuất hiện cùng lúc với vị ngọt, khả năng cao bạn đã mắc bệnh tiểu đường.
Một vấn đề khác có thể xảy ra là nhiễm toan ceton. Đây là biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường đặc trưng bởi tăng đường huyết, tăng ceton trong máu và nhiễm toan chuyển hóa. Một trong những triệu chứng của nhiễm toan ceton là mùi thơm ngọt trong hơi thở và vị ngọt trong miệng.
4. Vị chua
Ngoài vị đắng như đã nêu trên, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng có thể tạo ra vị chua trong miệng, cùng với đó là các hiện tượng như ợ nóng, đau ngực và khó nuốt.
Đồng thời, đây cũng có thể là cảnh báo khi có bất thường ở gan. Bởi khi gan không hoạt động chính xác, cơ thể tích tụ lượng amoniac dẫn đến sự thay đổi vị giác và gợi lên vị chua.
Không chỉ vậy, nhiễm trùng vi khuẩn ở đường hô hấp trên (như cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang hoặc viêm amidan) có thể gây ra vị chua trong miệng do vi khuẩn tạo ra.
5. Vị mặn
Vị mặn trong miệng có thể là một dấu hiệu mất nước vì cơ thể đang cố gắng giữ nước bằng cách sản xuất ít nước bọt hơn. Khô miệng, khát nước, mệt mỏi và yếu cơ có thể xuất hiện với hương vị mặn.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Medina, vị mặn có thể là dấu hiệu của rối loạn thần kinh. Bởi não bộ của chúng ta chứa các dây thần kinh được kết nối với hương vị. Nếu vị mặn đi trong miệng đi cùng những triệu chứng khác như co giật, thay đổi thị lực, đau đầu hoặc mất mùi, rất có thể bạn đang đối diện với chứng rối loạn thần kinh.
Nếu những thay đổi trong hương vị này kéo dài vài ngày hoặc lâu hơn có thể là một dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm cần điều trị kịp thời. Đặc biệt khi những thay đổi này đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, sốt hoặc khó nuốt, bạn nên gặp bác sĩ.
Phạm Trang/Nguồn: Express, Insider, Pinteres