Mùa thu là thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột, từ nóng sang lạnh, khiến cơ thể dễ bị suy yếu và dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm cúm, viêm họng hay viêm phế quản.
Việc tăng cường sức đề kháng vào mùa thu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe.
Khi hệ miễn dịch được củng cố, cơ thể sẽ có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường, giảm nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật.
Sức đề kháng mạnh mẽ giúp cơ thể duy trì sự cân bằng, tạo ra một lá chắn tự nhiên để đối phó với vi khuẩn và virus. Việc sử dụng các biện pháp tự nhiên như chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt một số vị thuốc từ thảo dược đã được sử dụng từ lâu trong Y học cổ truyền có khả năng tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể trước sự thay đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ bài viết này xin giới thiệu một số vị thuốc Y học cổ truyền nổi bật có tác dụng tăng cường sức đề kháng trong mùa thu.
1. Nhân sâm - vị thuốc làm tăng sức đề kháng
Theo Y học cổ truyền, nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi ôn. Quy vào kinh tỳ, phế. Là một vị thuốc có tác dụng đại bổ nguyên khí, có thể nói trong tất cả các vị thuốc bổ khí thì chỉ có duy nhất nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí tác dụng nhanh nhất và mạnh nhất, chỉ 10 - 15 phút sau khi sử dụng đã cảm thấy người khoan khoái.
Trong mùa thu, tiết khí khô hanh, làm hao tổn khí huyết khiến cơ thể dễ bị mệt mỏi, nhân sâm giúp bổ khí, cung cấp năng lượng cho cơ thể vô cùng tuyệt vời.
Nhân sâm cũng là một vị làm tăng cường chức năng vận hóa của tỳ vị (hệ tiêu hóa) từ đó mà thúc đẩy quá trình sinh khí, sinh huyết cho cơ thể.
Theo các nghiên cứu cho thấy, nhân sâm chứa nhiều hợp chất ginsenoside, có khả năng kích thích sản xuất tế bào miễn dịch và tăng cường hoạt động của các tế bào này, từ đó giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Người dùng có thể sử dụng nhân sâm dưới nhiều dạng như sâm khô, trà sâm, hoặc viên uống chứa chiết xuất từ nhân sâm.
Lưu ý: Không dùng nhân sâm với nước chè, củ cải, ngũ linh chi vì sẽ làm giảm hiệu lực của nhân sâm. Có thể dùng nhân sâm cùng với gừng tươi để làm tăng tác dụng ôn ấm hơn.
2. Hoàng kỳ
Theo Y học cổ truyền, hoàng kỳ là vị thuốc bổ trực tiếp vào vệ khí. Bên trong thì bổ khí của hai tạng tỳ, phế, tạo ra nguồn để bổ sung cho vệ khí. Bên ngoài thì cố biểu chỉ hãn, tạo ra lớp hàng rào làm kiên cố vệ khí.
Khi vệ khí đầy đủ thì da lông bì mao được kiên cố, hàng rào bảo vệ cơ thể được củng cố bền vững.
Vào mùa thu, hoàng kỳ được khuyến khích sử dụng để bồi bổ cơ thể, đặc biệt là đối với những người có sức đề kháng yếu, hay bị cảm lạnh.
Hoàng kỳ có thể được dùng dưới dạng trà hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để làm tăng hiệu quả.
Cách dùng trà hoàng kỳ: Hoàng kỳ 10 - 15g, sắc cùng 500ml trong 15 - 20 phút.
Chắt nước hoàng kỳ ra, có thể cho thêm một ít mật ong hoặc đường phèn vào trà để tạo vị ngọt nhẹ, dễ uống hơn.
Uống khi trà còn ấm, mỗi ngày 1 - 2 tách trà.
3. Nấm linh chi
Nấm linh chi, một trong những thảo dược quý giá của Y học cổ truyền, có tác dụng nổi bật trong việc tăng cường sức đề kháng, bổ khí mạnh. Với các thành phần hoạt chất như polysaccharide, triterpenoid và acid ganoderic, nấm linh chi giúp kích thích hệ miễn dịch, tăng cường sản xuất tế bào bạch cầu, từ đó nâng cao khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
Vào mùa thu, khi thời tiết khô hanh và độ ẩm không khí giảm, cơ thể dễ bị khô da, viêm hô hấp và suy giảm hệ miễn dịch. Sử dụng nấm linh chi trong mùa này giúp cân bằng cơ thể, hỗ trợ chức năng phổi, làm dịu các triệu chứng hô hấp và tăng cường sức khỏe.
Ngoài ra, linh chi còn có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ tế bào khỏi tác động của gốc tự do, từ đó giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm do thời tiết khô hanh gây ra.
Việc sử dụng nấm linh chi đều đặn giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với sự thay đổi của thời tiết và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Cách dùng: Hãm nước sẽ không làm ra hết hoạt chất mà nên sắc nước để dùng. Nên uống vào buổi sáng sẽ rất tỉnh táo, uống liều thấp để tránh bị khô miệng và nóng quá.
Lưu ý: Vì có tác dụng bổ khí mạnh nên những ai khí vượng uống vào mất ngủ ngay. Tránh uống vào ban đêm sẽ gây mất ngủ.
4. Phòng phong
Phòng phong là một vị thuốc hơi ôn, không táo và ngọt hoãn. Là một vị thuốc trừ phong, phòng chống gió. Nói về phòng phong trong tất cả các vị thuốc trị phong không có vị thuốc nào sánh bằng.
Người ta thường dùng phòng phong phối hợp với hoàng kỳ làm trà uống để vừa ích khí cố biểu, lại vừa tán được phong tà ra ngoài.
Mùa thu ngoài táo khí thì phong khí cũng rất nhiều, phòng phong là vị thuốc có thể lựa chọn dùng để tăng cường sức đề kháng, củng cố hàng rào phòng vệ của cơ thể vô cùng tuyệt vời.
Cách làm trà phòng phong: Phòng phong 160 - 200g, hoàng kỳ 200 - 300g. Tán nhỏ thành bột, mỗi lần uống 8 - 12g, ngày uống 2 lần.
5. Quế
Quế là một thảo dược có tính ấm, được sử dụng trong Y học cổ truyền để kích thích tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể và tăng cường sức khỏe. Quế chứa Cinnamaldehyde, một hoạt chất có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và chống oxy hóa, từ đó giúp tăng cường sức đề kháng.
Vào mùa thu, quế thường được dùng dưới dạng trà hoặc thêm vào các món ăn để giữ ấm cơ thể, ngăn ngừa cảm lạnh và cảm cúm.
Các vị thuốc y học cổ truyền như nhân sâm, hoàng kỳ, nấm linh chi, phòng phong, quế đều có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật trong mùa thu.
Sự kết hợp giữa các vị thuốc này với chế độ sinh hoạt lành mạnh và ăn uống cân đối sẽ giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với thời tiết thay đổi, bảo vệ sức khỏe và duy trì năng lượng trong suốt mùa thu.
Theo suckhoedoisong.vn