Ngay khi có dấu hiệu, để hạ sốt nên dùng ngay các loại thảo dược sau: rau má, khổ qua, hoa cúc, cỏ mực, lá dâu tằm, lá tre, lá cúc tần, củ sắn dây… Giúp giải độc thì kết hợp thêm các vị: bồ công anh, cỏ mần trầu, kim ngân hoa, rễ cỏ tranh, râu bắp, mã đề, lá nhót, sài đất, xạ can, cối xay (sao vàng)…
Nếu có điều kiện nên dùng ở dạng tươi, xay hoặc giã nát, vắt lấy nước, hòa thêm nước sôi để nguội uống trong ngày, lượng dùng khoảng 20 - 30g/người/ngày. Kết hợp 2-3 loại sẽ tăng tác dụng hạ nhiệt, giải độc. Nếu thuốc khô thì dùng từ 12 - 16g/ngày/người, nấu lửa nhỏ với khoảng 2 lít nước, uống 3-4 lần/ngày khi còn ấm. Tăng cường lượng nước uống trong ngày từ 2-3 lít.
|
Các vị thuốc đông y giúp bồi bổ khí huyết, tăng sức đề kháng sau sốt xuất huyết |
Tuy nhiên, để tăng công dụng điều trị vẫn nên dùng 1 trong 2 bài thuốc sau theo khuyến cáo của Bộ Y tế:
Bài 1: 12g lá cúc tần, 20g củ sắn dây (hoặc lá dâu tằm); cỏ mực, rau má (hoặc khổ qua, dành dành, nhân trần, cúc hoa), mã đề, lá tre, trắc bá diệp (hoặc lá sen, kinh giới sao đen), mỗi vị đều 16g; gừng tươi 3 lát.
Bài 2: 20g cỏ nhọ nồi sao vàng (hoặc lá huyết dụ, hà thủ ô, kê huyết đằng, sinh địa), 12g kim ngân hoa (hoặc bồ công anh, cỏ mần trầu), 12g cối xay sao vàng, hoa hòe (hoặc trắc bá diệp, ngó sen), 20g rễ cỏ tranh (hoặc râu bắp, mã đề, lá nhót), 20g sài đất (hoặc xạ can), 12g hạ khô thảo (hoặc bồ công anh), 3 lát gừng tươi.
Mỗi ngày dùng 1 thang, sắc uống khi còn ấm. Hết giai đoạn sốt thì ngưng uống. Trẻ em 15 tuổi trở lên dùng bằng liều người lớn. Trẻ từ 6-14 tuổi: 1/2 liều người lớn. Trẻ nhũ nhi đến 5 tuổi nên đến bệnh viện chuyên khoa.
Lưu ý: Khi sốt cao đột ngột mà chưa kịp chuẩn bị những loại thuốc như trên thì cần phải uống thuốc hạ sốt paracetamol để tránh nguy cơ bị co giật. Nếu có biểu hiện của sốc như chân tay lạnh, tím các đầu ngón; tụt huyết áp… cần nhanh chóng nhập viện.
Khi bị SXH, cơ thể chịu sự tổn thương do lượng huyết tương, chất điện giải, dung dịch keo mất đi; tuần hoàn cơ thể bị rối loạn. Theo đông y là do phần âm, tân dịch và cả phần khí trong cơ thể đều bị hao hụt dẫn đến mất cân bằng âm - dương, khí - huyết.
Vì vậy, sau khi khỏi bệnh vẫn cần có sự chăm sóc tích cực để bù đắp, nhằm tái lập sự cân bằng âm dương trong cơ thể, phục hồi chính khí. Bên cạnh thực đơn ăn uống đa dạng với thực phẩm tươi, dễ tiêu hóa, uống thêm thuốc bổ dưỡng là cách nhanh nhất để phục hồi cơ thể.
Nếu cảm thấy nhanh mệt, hụt hơi, dễ bị lạnh thì dùng bài Tứ quân (nhân sâm, phục linh, bạch truật, mỗi vị 12g; cam thảo 6g). Nếu dễ bị hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế thì dùng bài Tứ vật (đương quy 12g; thục địa, bạch thược, mỗi vị 10g; 8g xuyên khung). Nếu có các triệu chứng đã nêu thì dùng phối hợp cả 2 bài.
Nếu âm dịch bị hao hụt nhiều, cơ thể nóng bứt rứt, đổ mồ hôi khi ngủ thì kết hợp thêm bài thuốc Lục vị địa hoàng: 20g thục địa, 12g sơn thù, 12g hoài sơn; trạch tả, đơn bì, phục linh cùng 6g.
Mỗi ngày sắc uống 1 thang, sau ăn khoảng 1 giờ. Uống 1 đợt 7-10 thang. Nếu không có thời gian sắc có thể mua thuốc thành phẩm để uống. Nếu sử dụng thuốc ở dạng hoàn cần uống tối thiểu khoảng 1 tháng.
Theo phụ nữ TPHCM