1. Viêm khớp dạng thấp có phổ biến không?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tại Mỹ, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến khoảng 1,3 triệu người trưởng thành, chiếm 0,6-1% dân số cả nước. Khoảng 35% những người mắc bệnh có các triệu chứng gây cản trở khả năng làm việc của họ.
Ở nước ta, có khoảng 0,55% dân số người lớn mắc bệnh, chiếm 20% tổng số bệnh nhân mắc bệnh khớp nhập viện. Đây là bệnh lý thường gặp ở nữ giới (chiếm tỷ lệ 75%), trong độ tuổi 30-60.
Để điều trị viêm khớp dạng thấp, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, có một số biện pháp không dùng thuốc có thể giúp người bệnh giảm bớt sự khó chịu hoặc ngăn ngừa, kéo dài khoảng cách tái phát của bệnh.
2. Các biện pháp tự nhiên cho tất cả mọi người
2.1. Kéo căng cơ
Kéo căng cơ xung quanh các khớp bị ảnh hưởng có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Một nghiên cứu năm 2015 của các nhà khoa học Anh cho thấy rằng, các bài tập giãn cơ và tăng cường sức mạnh đơn giản có thể giúp giảm bớt các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở bàn tay và cổ tay. Tuy nhiên, để biện pháp này thực sự hiệu quả, trước tiên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm tránh một số bài tập có thể gây căng thẳng, có hại cho khớp.
Ngoài việc thực hiện các động tác kéo căng có mục tiêu, một số hình thức tập thể dục năng động, ít căng thẳng có thể tăng cường cơ bắp xung quanh các khớp bị ảnh hưởng và giảm tác động tổng thể lên khớp, làm chậm sự tiến triển của bệnh như tập thể dục nhịp điệu, đi bộ, bơi lội, đạp xe…
2.2. Nhiệt và lạnh
Nhiều bác sĩ khuyến nghị các phương pháp điều trị bằng nhiệt và lạnh để giảm bớt các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Mỗi loại cung cấp các lợi ích khác nhau:
-Lạnh: Giúp hạn chế sưng và viêm khớp.
Lưu ý: Mỗi lần chườm lạnh trong 15 phút. Nghỉ ít nhất 30 phút giữa các lần chườm và không chườm trực tiếp đá lên da.
-Nhiệt: Làm thư giãn cơ bắp và thúc đẩy lưu lượng máu. Bạn có thể sử dụng một miếng đệm sưởi ẩm hoặc một chiếc khăn ấm và ẩm chườm lên vùng khớp bị đau.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng liệu pháp nhiệt khi tắm bằng cách để nước ấm dội lên vùng bị đau trên cơ thể. Điều này có thể giúp làm dịu cơn đau và thư giãn các cơ bị cứng.
Lưu ý: Nhiều người thích sử dụng túi chườm nóng bằng lò vi sóng nhưng cần chú ý không để nóng quá vì có thể gây bỏng. Nếu bạn bị cao huyết áp, mắc bệnh tim hoặc đang mang thai thì nên hạn chế sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc spa.
2.3 Nghỉ ngơi cân bằng
Nghỉ ngơi rất quan trọng để điều trị đau nhức khớp. Tuy nhiên, nghỉ ngơi quá nhiều hoặc lối sống ít vận động có thể khiến tình trạng đau nhức khớp trở nên trầm trọng hơn.
Do vậy, cần kết hợp hài hòa, cân bằng giữa nghỉ ngơi và tăng cường tập thể dục, không nên vì đau mà bỏ luyện tập.
2.4. Giảm căng thẳng
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy rằng, căng thẳng, lo lắng có thể làm trầm trọng hơn hoặc khởi phát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Do đó, để giảm nguy cơ tái phát và giảm đau do bệnh, mỗi người cần chủ động giảm căng thẳng bằng cách thực hiện một số biện pháp như yoga, thiền, mát xa, châm cứu…
2.5. Sử dụng thiết bị trợ giúp
Một người sống chung với viêm khớp dạng thấp có thể giảm bớt một số cơn đau bằng cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, đeo nẹp cổ tay có thể giúp giảm đau các khớp cổ tay.
Ngoài ra, còn có các thiết bị trợ giúp khác bao gồm: Dây kéo, dụng cụ mở hộp, máy chế biến thực phẩm và các thiết bị nhà bếp hỗ trợ khác, tay vịn bồn tắm, ghế có thể điều chỉnh, tai nghe không dây và các thiết bị văn phòng khác có thể làm giảm việc sử dụng các khớp bị đau…
Đeo nẹp cổ tay giúp giảm đau cổ tay do viêm khớp dạng thấp.
2.6. Các biện pháp khác
Ngoài những liệu pháp tự nhiên trên, người bệnh viêm khớp dạng thấp có thể thực hiện chế độ ăn chay, liệu pháp hương thơm hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung… Tuy nhiên, việc thực hiện cần theo hướng dẫn của người có chuyên môn để tránh gây tổn hại thêm cho khớp.
Theo suckhoedoisong.vn