Theo Medical News Today, mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau với cùng một loại thực phẩm. Người bị viêm loét đại tràng nên xác định thực phẩm nào an toàn và thực phẩm nào gây kích ứng đường tiêu hóa. Dưới đây là 6 loại nước ép tốt cho người viêm loét đại tràng.
Cà rốt tím
Nghiên cứu của Hàn Quốc chỉ ra, cà rốt tím chứa rất nhiều vitamin A (alpha và beta carotene) có thể cải thiện tình trạng viêm ở ruột kết. Nước ép cà rốt tím chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa anthocyanins hỗ trợ chữa lành viêm niêm mạc đại tràng.
Nam việt quất
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, bổ sung nam việt quất vào chế độ ăn uống rất hữu ích cho giảm viêm đại tràng. Uống loại nước ép này làm tăng số lượng lợi khuẩn và giảm vi khuẩn có hại trong đường ruột, ức chế sự phát triển và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Cần tây
Cần tây chứa vitamin C và hợp chất apigenin làm giảm các hợp chất gây viêm, có hiệu quả trong điều trị viêm loét đại tràng. Hợp chất chống oxy hóa flavonoid có trong cần tây có thể loại bỏ các gốc tự do, làm giảm viêm đường tiêu hóa.
Nước cam
Nghiên cứu của Đại học Calabria (Italy) cho thấy, trái cây họ cam quýt rất giàu flavonoid có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư. Nước cam giống như một loại men vi sinh thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn đường ruột, giảm mức độ viêm và tăng cường chức năng hàng rào đường ruột, hiệu quả trong chữa viêm loét đại tràng.
Bắp cải
Nước ép bắp cải giàu vitamin A, C và K. Vitamin K giúp ích trong chữa bệnh viêm loét đại tràng và các tình trạng đường ruột khác. Cụ thể, vitamin K làm giảm viêm, hỗ trợ hệ vi sinh vật và cải thiện chức năng đường ruột. Người viêm loét đại tràng thường có tình trạng viêm tăng cao do thiếu hụt vitamin K nên tiêu thụ đủ lượng vitamin này.
Nước ép táo
Cũng giống như nhiều loại trái cây và rau xanh, táo rất giàu các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid, procyanidins oligomeric, dihydrochalcones và axit hydroxycinnamic có tác dụng chống viêm. Uống nước ép táo có lợi cho người bị viêm loét đại tràng hoặc các bệnh đường ruột khác.
Nước ép trái cây làm giảm các triệu chứng liên quan đến viêm loét đại tràng nhưng cũng gây ra một số vấn đề sức khỏe khác như nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nếu đồ uống chứa nhiều đường. Người bệnh chỉ nêu uống khoảng 148 ml nước ép trái cây hoặc rau củ không đường mỗi ngày. Mọi người nên tự làm nước ép trái cây tại nhà thay vì mua bên ngoài. Vì nước ép trái cây bán sẵn có thể không hoàn toàn từ trái cây tươi và có chứa thêm đường, làm giảm hoặc mất đặc tính chống viêm của nước ép.
Ngoài nước ép, thực phẩm chứa nhiều vitamin C và chất xơ hòa tan có thể giảm một số triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng. Nghiên cứu của Đại học Khoa học Y tế Suzuka (Nhật Bản) cho thấy, vitamin C cải thiện tình trạng và giúp bệnh phục hồi nhanh hơn, còn chất xơ có thể điều chỉnh chứng viêm ruột. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C như trái cây họ cam quýt, dâu tây, cải bó xôi và rau xanh lá khác, cà chua, khoai tây. Chuối, các loại hạt, bông cải xanh, cam quýt cũng chứa nhiều chất xơ hòa tan.
Một số công thức nước ép trái cây người bệnh có thể tham khảo như bắp cải, cà rốt và táo; cần tây, táo, gừng và chanh; táo, cà rốt, cần tây và cải xoăn; dưa leo, cần tây và táo; cam, cà rốt và gừng.
Theo vnexpress