|
|
Hệ miễn dịch yếu kém có thể khiến bạn dễ bị ốm, mệt mỏi, ảnh hưởng công việc hàng ngày. Ảnh: Realsimple |
Khi thời tiết giao mùa, dịch cúm bùng phát và các ca mắc Covid-19 vẫn ghi nhận hàng ngày, việc có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, một số thói quen hàng ngày có thể phá hoại khả năng miễn dịch và khiến bạn gặp nguy hiểm.
Dưới đây là 6 sai lầm phổ biến bạn có thể mắc vô tình làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Không kiểm soát căng thẳng
Theo India Times, căng thẳng có ảnh hưởng trực tiếp hoạt động của hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho thấy những người trải qua căng thẳng mạn tính có nhiều khả năng bị cảm sau khi tiếp xúc với virus.
Điều này xảy ra vì khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra cortisol và adrenaline, những hormone làm giảm tế bào thực bào và tế bào bạch huyết. Số lượng tế bào bạch cầu giảm đi khiến cơ thể khó chống lại virus và vi khuẩn hơn.
Yêu thích thực phẩm chế biến sẵn
Chế độ ăn uống giàu carbs tinh chế, thêm đường và muối có thể khiến hệ thống miễn dịch khó thực hiện công việc của mình. Thực phẩm đã qua chế biến sẽ tấn công vi khuẩn tốt trong đường ruột, khiến bộ phận này dễ bị nhiễm vi khuẩn xấu.
Theo nghiên cứu thực hiện vào tháng 3/2020 được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine, chế độ ăn nhiều muối có thể làm suy giảm bạch cầu trung tính và khả năng tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể.
Vitmain D và chất xơ hòa tan kích hoạt các tế bào T chống nhiễm trùng. Bạn có thể thêm hành, tỏi và gừng vào bữa ăn để có hiệu quả hơn.
Ngủ ít
Nếu bạn không ngủ đủ giấc từ 6 đến 8 tiếng được khuyến nghị, điều này có thể ảnh hưởng hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi bạn ngủ, cơ thể sẽ tiết ra cytokine, loại protein bảo vệ chống lại nhiễm trùng và viêm. Nếu bạn không ngủ, cơ thể không thể sản xuất đủ cytokine. Điều này có thể khiến hệ thống miễn dịch khó chống lại vi khuẩn và virus hơn.
Nếu bạn không thể ngủ ngay khi nằm xuống, hãy cố gắng kéo dài ít nhất 8-10 giờ trên giường. Không sử dụng đồ điện tử trước khi ngủ vì nó có thể làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, ức chế hormone melatonin gây ngủ và khiến bạn khó chìm vào giấc ngủ.
Uống rượu quá nhiều
Uống rượu thường xuyên có thể tàn phá hệ thống miễn dịch. Rượu làm gián đoạn hệ vi sinh vật đường ruột, hệ sinh thái của các vi sinh vật sống trong ruột, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Đồ uống này còn làm rối loạn sự cân bằng giữa vi khuẩn lành mạnh và không có lợi trong đường ruột. Nó loại bỏ các vi khuẩn lành mạnh, làm cho nhiều vi khuẩn xấu đi vào máu và có thể dẫn đến viêm gan. Gan bị ảnh hưởng có thể chậm quá trình thanh lọc cơ thể khỏi các chất độc từ môi trường, bao gồm cả các kháng nguyên gây bệnh cho bạn.
|
|
Rượu làm rối loạn sự cân bằng giữa vi khuẩn lành mạnh và không có lợi trong đường ruột, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Ảnh: Makatimed |
Hút thuốc
Thuốc lá được tiêu thụ dưới bất kỳ hình thức nào đều ảnh hưởng lớp niêm mạc của đường hô hấp. Hút thuốc khiến cơ thể sản xuất quá nhiều chất nhầy, làm hẹp đường hô hấp và khiến phổi khó đào thải chất độc ra ngoài.
Khi cơ thể phải làm việc gấp đôi thời gian để loại bỏ các hóa chất do thuốc lá thải ra, khả năng chống lại nhiễm trùng của nó sẽ bị tổn hại. Không chỉ vậy, hút thuốc còn làm giảm chất chống oxy hóa trong máu.
Lười tập thể dục
Bạn không tập thể dục hàng ngày? Nếu vậy, đừng ngạc nhiên khi bạn thường xuyên bị hắt hơi, sổ mũi... Theo đánh giá được công bố trên tạp chí Frontiers of Immunology, tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
Thói quen này làm tăng cả kháng thể và tế bào bạch cầu, cho phép cơ thể bạn nhắm mục tiêu và chống lại nhiễm trùng hiệu quả.
Tập thể dục hoặc chỉ đi bộ có thể giúp loại bỏ các kích thích tố gây căng thẳng có hại. Nó cũng làm chậm quá trình giải phóng cortisol và adrenaline trong cơ thể, bảo vệ bạn chống lại bệnh tật do vi khuẩn và virus gây ra.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), một người nên dành ít nhất 150 phút hoạt động aerobic vừa phải hoặc 75 phút hoạt động cường độ cao mỗi tuần.
Theo Zingnews