Huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng", đây là một nguy cơ chính dẫn tới bệnh tim và đột quỵ. Đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh, huyết áp thường tăng hơn bình thường. Tuy nhiên, bằng một số biện pháp tự nhiên có thể hỗ trợ giảm huyết áp một cách hiệu quả.
1. Tại sao trời lạnh dễ tăng huyết áp?
Huyết áp thường cao hơn vào mùa đông và thấp hơn vào mùa hè. Đó là bởi vì nhiệt độ thấp làm cho các mạch máu bị thu hẹp tạm thời. Điều này làm tăng huyết áp vì cần nhiều áp lực hơn để đẩy máu qua các tĩnh mạch và động mạch bị thu hẹp.
Huyết áp cũng có thể bị ảnh hưởng nếu thời tiết đột ngột thay đổi như mưa bão, nóng sang lạnh. Cơ thể và các mạch máu có thể phản ứng với những thay đổi đột ngột về độ ẩm, áp suất khí quyển, mây che phủ hoặc gió giống như cách phản ứng với lạnh. Những biến đổi huyết áp liên quan đến thời tiết này phổ biến hơn ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Các nguyên nhân khác theo mùa khiến huyết áp cao hơn bình thường như tăng cân, thức ăn mặn và giảm hoạt động thể chất thường gặp vào mùa đông. Nếu bạn đã bị huyết áp cao, hãy tiếp tục theo dõi các chỉ số huyết áp, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh.
Một số triệu chứng có thể gặp khi huyết áp tăng như đau đầu, buồn nôn, choáng váng, tim đập nhanh, khó thở, đỏ bừng mặt. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp các triệu chứng trên và thường không rõ ràng nên rất khó chẩn đoán qua dấu hiệu bên ngoài. Dùng máy đo là phương pháp kiểm tra huyết áp đơn giản mà chính xác.
2. Cách hạ huyết áp tự nhiên khi thời tiết chuyển lạnh
Nếu chỉ số huyết áp đo được ở mức bằng hoặc vượt mức 140/90 mmHg (huyết áp bình thường ở mức dưới 120/80 mmHg), đây là dấu hiệu cảnh báo chỉ số huyết áp tương đối cao. Mọi người nên áp dụng một số biện pháp để quản lý lại huyết áp của mình.
2.1. Tăng cường hoạt động và tập thể dục nhiều hơn
Một phân tích tổng hợp của 65 nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục nhịp điệu và sức bền có thể làm giảm huyết áp đáng kể, đặc biệt là đối với nam giới.
Khi bạn thường xuyên tăng nhịp tim và nhịp thở, theo thời gian, tim bạn sẽ khỏe hơn và bơm ít hơn. Điều này gây ít áp lực hơn lên động mạch và làm giảm huyết áp của bạn.
Một số bài tập thể dục rất tốt để hạ huyết áp hiệu quả như: tập aerobic, đi bộ, tập yoga… Mỗi ngày, mọi người nên duy trì tập luyện từ 30 phút đến 1 tiếng. Nếu là người mới tập luyện, bạn có thể dành 20 đến 30 phút/ngày.
2.2. Giảm cân nếu bạn thừa cân
Nếu bạn thừa cân và có huyết áp cao, nên giảm 2 đến 4 kg. Điều này sẽ giúp huyết áp dần ổn định và ngăn ngừa được nhiều bệnh tật khác.
Một đánh giá của một số nghiên cứu báo cáo rằng chế độ ăn kiêng giảm cân làm giảm huyết áp trung bình 3,2 mmHg tâm trương và 4,5 mm Hg tâm thu.
2.3. Cân bằng chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều tới huyết áp, một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người cao huyết áp như:
- Cắt giảm lượng đường và muối: Theo một số nghiên cứu, đường và muối có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng huyết áp cao. Vì vậy, mọi người nên cắt giảm đường và muối trong các món ăn để duy trì huyết áp ổn định.
- Bổ sung nhiều kali hơn: Kali làm giảm tác động của muối trong hệ thống và giảm căng thẳng trong mạch máu nên giúp ổn định huyết áp. Tuy nhiên, chế độ ăn giàu kali có thể gây hại cho những người bị bệnh thận, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ trước khi tăng lượng kali.
Một số thực phẩm giàu kali có thể kể đến như sữa, sữa chua, cá, trái cây (chuối, mơ, bơ và cam), rau (khoai lang, khoai tây, cà chua, rau xanh và rau bina).
- Ăn tỏi: Một phân tích tổng hợp cho thấy rằng đối với những người bị huyết áp cao, bổ sung tỏi làm giảm huyết áp tâm thu của họ lên đến khoảng 5 mmHg và giảm huyết áp tâm trương của họ nhiều nhất là 2,5 mm Hg. Các bạn có thể ăn tỏi sống hoặc cho vào các món ăn, gia vị.
- Ăn thực phẩm giàu protein lành mạnh: Những người ăn nhiều protein có xu hướng hạ huyết áp hiệu quả, nhưng những người bị bệnh thận cũng nên lưu ý không nên ăn quá nhiều dưỡng chất này.
Mỗi ngày nên nạp khoảng 100 gram protein với những thực phẩm như cá, thịt gia cầm, thịt bò, các loại đậu, các loại hạt…
2.4. Tránh các loại đồ uống có chất kích thích
- Rượu: Rượu có thể làm tăng huyết áp ngay cả khi bạn khỏe mạnh. Một đánh giá cho thấy mặc dù ban đầu uống hơn 30 gam rượu có thể làm giảm huyết áp, nhưng sau 13 giờ trở lên, huyết áp tâm thu tăng 3,7 mmHG và huyết áp tâm trương tăng 2,4 mm Hg. Vì vậy, mọi người chỉ nên uống rượu vào các dịp đặc biệt với lượng vừa đủ.
- Cà phê: Loại đồ uống này có chứa caffeine, chất này có thể làm tăng huyết áp của bạn. Do đó, bạn không nên uống cà phê một cách thường xuyên.
2.5. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Huyết áp của bạn thường giảm xuống khi bạn đang ngủ. Vì vậy, nếu giấc ngủ bị ảnh hưởng, cơ thể căng thẳng, mệt mỏi có thể sẽ ảnh hưởng đến huyết áp của bạn.
Những người bị thiếu ngủ, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên, có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
Một số biện pháp giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn như thể dục thường xuyên vào ban ngày, ngủ trưa ít, phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, có thể đọc sách trước khi ngủ.
2.6. Ngưng hút thuốc
Các chất hóa học trong thuốc lá có thể làm tăng huyết áp bằng cách làm hỏng thành mạch máu, gây viêm và thu hẹp động mạch. Các động mạch bị xơ cứng gây ra huyết áp cao hơn. Đặc biệt, các hóa chất trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến mạch máu của bạn ngay bạn ngửi khói thuốc lá một cách thụ động.
Không những thế, hút thuốc lá còn có thể gây ra nhiều bệnh tật khác như ung thư phổi, viêm phế quản… nên bỏ thuốc lá và hạn chế hút thuốc lá nơi đông người là điều cần thiết.
2.7. Giảm căng thẳng
Khi cơ thể trong trạng thái căng thẳng, nhịp tim của bạn sẽ đập nhanh hơn và các mạch máu co lại. Vì thế, quản lý được căng thẳng sẽ giúp huyết áp ổn định.
Một số cách giúp cơ thể luôn thoải mái như nghe nhạc, thiền, làm việc vừa phải, chia sẻ với mọi người, đi dạo…
Trên đây là những cách hạ huyết áp bằng các biện pháp tự nhiên. Tuy nhiên, những người huyết áp cao mãn tính, có các bệnh lý kèm theo như tim mạch thì nên tham khảo theo ý kiến của bác sĩ. Có thể dùng thuốc hạ huyết áp nhưng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Vân Anh
Nguồn: Healthline.com