Mùa đông là thời điểm cơ thể dễ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, ho, sốt, đau nhức xương khớp, da khô, người mệt mỏi… do thời tiết lạnh và khô hanh. Việc sử dụng những vị thuốc có tính ấm và bổ dưỡng vào mùa đông sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe cho cơ thể.

Dưới đây là một số vị thuốc phổ biến: 

1. Vị thuốc sinh khương (gừng)

Gừng hay còn gọi là vị thuốc sinh khương, có vị cay, tính ấm, quy vào kinh phế, tỳ, vị.

Gừng có tác dụng tán hàn, chống viêm, giảm đau và tăng cường tuần hoàn máu hiệu quả.

Vào mùa đông, sử dụng gừng giúp làm ấm cơ thể, giải cảm lạnh, cảm cúm, tăng cường sức đề kháng.

Cách dùng:

- Trà gừng mật ong: Thái vài lát gừng tươi, đun sôi với nước trong 5-10 phút, thêm mật ong vào rồi thưởng thức. Trà gừng mật ong giúp làm ấm cơ thể, giảm triệu chứng cảm lạnh, ho và đau họng.

7 vị thuốc bổ dưỡng nên dùng vào mùa đông- Ảnh 1.

Gừng là vị thuốc có tác dụng tán hàn nên thích hợp trong mùa đông.

- Chế biến món ăn: Gừng cũng thường được sử dụng trong các món canh và hầm, ví dụ như canh gà nấu gừng, thịt bò xào gừng. Món ăn này giúp bồi bổ cơ thể, giữ ấm và phòng ngừa bệnh tật vào mùa đông.

- Thuốc: Gừng cũng có thể kết hợp các vị thuốc khác để sắc uống, hoặc gừng tươi có thể dùng như thuốc đắp lên vùng bụng để giảm đau bụng do lạnh.

2. Đương quy

Theo y học cổ truyền, đương quy có vị ngọt, cay, tính ấm, quy vào kinh tâm, can, tỳ. Đây là một dược liệu mang lại công dụng bổ máu, hoạt huyết, giảm đau và điều hòa kinh nguyệt. Đương quy là vị thuốc lý tưởng cho mùa đông, đặc biệt đối với những người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể hoặc có triệu chứng đau nhức xương khớp.

Cách dùng:

- Trà đương quy: Đun khoảng 10g đương quy khô với nước sôi trong 15 phút. Uống khi còn ấm. Uống trà này sẽ giúp bổ huyết, tăng cường tuần hoàn và giảm mệt mỏi.

7 vị thuốc bổ dưỡng nên dùng vào mùa đông- Ảnh 2.

Đương quy bổ máu, hoạt huyết là vị thuốc nên dùng vào mùa đông.

- Chế biến món ăn: Chế biến với gà, canh sườn… tạo thành món ăn bổ dưỡng, giúp làm ấm cơ thể. Canh gà đương quy vừa có tác dụng bổ máu vừa có tác dụng bồi bổ sức khỏe tổng thể.

- ThuốcĐương quy được dùng trong các bài thuốc Đông y để cải thiện tình trạng thiếu máu, đau lưng và nhức mỏi cơ bắp.

3. Quế (nhục quế)

Nhục quế có vị ngọt, cay, tính ấm, đi vào các kinh tâm, can, tỳ. Quế là vị thuốc giúp làm ấm cơ thể, kháng viêm, giảm đau, điều hòa huyết áp và cải thiện tuần hoàn máu. Do đó, vị dược liệu này rất hữu ích trong mùa đông để phòng chống các bệnh cảm lạnh, viêm khớp và lưu thông khí huyết.

7 vị thuốc bổ dưỡng nên dùng vào mùa đông- Ảnh 3.

Quế giúp làm ấm cơ thể.

Cách dùng:

- Trà cam quế mật ong: Pha một vài thanh quế vào nước nóng, để khoảng 5 phút. Cho thêm 1 muỗng mật ong vào, uống khi còn ấm. Có thể cho thêm lát cam để giúp tăng thêm hương vị cho trà.

- Chế biến món ăn: Quế có thể dùng làm gia vị trong các món hầm, giúp làm ấm bụng, bổ dưỡng cơ thể trong thời tiết lạnh.

- Thuốc: Quế cũng có thể kết hợp trong các bài thuốc Đông y để trị ho, cảm lạnh và giảm đau xương khớp.

4. Hoàng kỳ

Theo y học cổ truyền, hoàng kỳ là dược liệu có vị ngọt, tính ấm, đi vào các kinh phế, tỳ. Hoàng kỳ có tác dụng bổ khí, tăng cường miễn dịch, cải thiện sức bền của cơ thể. Sử dụng hoàng kỳ vào mùa đông giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa các bệnh cảm lạnh, cảm cúm vào mùa đông.

7 vị thuốc bổ dưỡng nên dùng vào mùa đông- Ảnh 4.

Hoàng kỳ giúp tăng sức đề kháng của cơ thể trong mùa đông.

Cách dùng:

- Trà hoàng kỳ: Đun hoàng kỳ với nước sôi trong 15-20 phút làm trà uống hàng ngày giúp tăng cường sức đề kháng, đặc biệt hiệu quả trong việc phòng ngừa cảm cúm và cảm lạnh.

- Chế biến món ănHoàng kỳ có thể nấu cùng các món hầm hoặc canh, đặc biệt là với gà, để tạo thành món ăn bổ khí và tăng cường sức khỏe.

- Thuốc: Hoàng kỳ thường dùng trong các bài thuốc Đông y để bổ khí, giúp cơ thể dẻo dai và giảm mệt mỏi.

5. Kỷ tử (câu kỷ tử)

Kỷ tử vị ngọt, tính bình, đi vào các kinh can, thận, có tác dụng bổ thận, sáng mắt, tăng cường miễn dịch và làm đẹp da. Vào mùa đông, kỷ tử giúp bổ sung năng lượng, tăng cường sức đề kháng và giúp cơ thể chống lại tác động của thời tiết lạnh.

7 vị thuốc bổ dưỡng nên dùng vào mùa đông- Ảnh 5.

Kỷ tử giúp cơ thể chống lại tác động của thời tiết lạnh.

Cách dùng:

- Trà kỷ tử: Ngâm khoảng 5-10g kỷ tử vào nước nóng trong 10 phút. Trà này giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường thị lực và giúp da khỏe mạnh hơn. Có thể kết hợp kỷ tử với cúc hoa, đại táo… để làm trà uống mùa đông.

- Chế biến món ăn: Kỷ tử có thể cho vào các món canh như canh gà hầm kỷ tử hoặc cháo kỷ tử để tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể.

- ThuốcKỷ tử thường dùng trong các bài thuốc Đông y để bổ thận, sáng mắt và bồi bổ cơ thể.

6. Đại táo

Đại táo cũng là một trong những vị thuốc nên dùng trong mùa đông để bổ sung năng lượng, hỗ trợ tiêu hóa và giúp cơ thể chống lại mệt mỏi. Đại táo có vị ngọt, tính bình, đi vào các kinh tỳ, vị, nhờ đó giúp bổ tỳ, dưỡng huyết, an thần và cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa.

Cách dùng:

- Trà đại táoĐun đại táo với nước, thêm chút đường phèn làm trà uống hàng ngày. Trà đại táo có tác dụng bổ huyết, an thần, thích hợp uống vào buổi tối để dễ ngủ.

- Chế biến món ăn: Đại táo có thể dùng trong các món hầm, cháo hoặc chè, tạo nên các món ăn bổ dưỡng cho cơ thể.

- Thuốc: Đại táo thường kết hợp trong các bài thuốc Đông y để bổ huyết, cải thiện tiêu hóa và an thần.

7. Đinh hương

Đinh hương có tác dụng làm ấm dạ dày, giảm đau, chống viêm và làm giảm triệu chứng đầy hơi, khó tiêu.

Sử dụng đinh hương vào mùa đông có tác dụng giữ ấm cơ thể và hỗ trợ hệ tiêu hóa, đặc biệt cho những người có vấn đề về tiêu hóa do thời tiết lạnh.

Cách dùng:

- Trà đinh hương: Dùng vài nụ đinh hương đun sôi với nước trong 5-10 phút. Trà đinh hương giúp kích thích tiêu hóa, giảm cảm giác đầy bụng và làm ấm cơ thể.

- Chế biến món ănĐinh hương có thể dùng như gia vị cho các món hầm hoặc canh, giúp tăng cường hương vị và hỗ trợ tiêu hóa.

- Thuốc: Đinh hương thường được sử dụng trong các bài thuốc để chữa đầy hơi, khó tiêu và đau bụng.

Theo suckhoedoisong.vn