1. Nguyên nhân gây đau đầu
Theo y học cổ truyền, đầu là nơi hội tụ của các đường kinh dương, hội tụ huyết tinh của ngũ tạng, khí thanh dương của lục phủ.
Bệnh đau đầu (phạm trù chứng đầu thống) được chia thành hai loại là ngoại thương đầu thống (đau đầu do tác nhân bên ngoài), nội thương đầu thống (đau đầu do mất cân bằng âm dương trong cơ thể) gây nên.
Ngoại cảm gây đau đầu thường do nguyên nhân lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa), trong đó phong tà giữ vai trò chủ đạo, thường kết hợp với hàn, nhiệt, thấp:
- Hàn làm tắc kinh mạch.
- Nhiệt làm náo loạn thanh không (khí huyết nghịch loạn)
- Thấp che thanh khiếu, thanh dương, không thăng lên đầu được gây đau.
Nội thương gây đau đầu thường liên quan đến các nhân tố thể chất và tinh thần như khí hư, khí huyết ứ trệ làm mạch lạc không được lưu thông đầy đủ hoặc thận thủy bất túc, can, dương thượng thăng, tình chí bất hòa, khí uất hóa hỏa làm thanh khiếu bị nhiễu loạn hoặc đờm ẩm thực tích...
2. Giảm đau đầu với một số món ăn bài thuốc
Bắt nguồn từ cơ chế cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết, các món ăn bài thuốc có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng đau đầu một cách hiệu quả.
Một số món ăn bài thuốc mà bạn có thể tham khảo như:
2.1. Cháo đậu xanh
Đậu xanh là dược liệu có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ tốt cho những người bị đau đầu do phong nhiệt. Trong y học cổ truyền, đậu xanh còn giúp giải cảm nắng và làm nhẹ cơ thể, phù hợp khi đau đầu đi kèm sốt.
Nguyên liệu: 100g đậu xanh, 50g gạo tẻ, 1 lít nước.
Cách chế biến:
- Đậu xanh ngâm khoảng 30 phút.
- Cho vào nồi nấu chung với gạo tẻ đến khi chín nhừ.
- Khi cháo chín nhừ, thêm một ít muối vừa nếm, ăn khi còn ấm.
Lưu ý: Người có tỳ vị hư yếu nên hạn chế dùng vì đậu xanh có tính lạnh, có thể gây ảnh hưởng tỳ vị làm đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy...
2.2. Trà hoa cúc, bạc hà
Với những người đau đầu do phong nhiệt hay do căng thẳng nên sử dụng các món ăn chế biến từ hoa cúc giúp thanh nhiệt, sáng mắt, làm dịu thần kinh.
Nguyên liệu: 5-10g hoa cúc khô, 10g lá bạc hà, một ít đường phèn.
Cách chế biến:
- Đun sôi hoa cúc, bạc hà trong 500ml nước khoảng 10 phút, lọc lấy nước uống.
- Pha thêm đường phèn cho dễ uống.
- Uống nước này khi còn ấm.
Lưu ý: Không dùng quá nhiều vì hoa cúc có tính hàn, có thể gây lạnh bụng.
2.3. Cháo hành tía tô
Hành và tía tô là hai dược liệu có tính ấm, có tác dụng tán hàn, khai thông kinh lạc. Vì vậy những trường hợp cảm cúm, đau đầu do phong hàn nên sử dụng các món ăn có hai loại dược liệu này để ôn ấm cơ thể, giải cảm, giảm đau đầu.
Nguyên liệu: 50g gạo, 3-5 nhánh hành lá, 10g lá tía tô.
Cách chế biến:
- Vo gạo cho sạch, bỏ vào nồi nấu đến khi chín nhừ thành cháo.
- Hành, tía tô cắt nhỏ, cho vào khi cháo chín. Nêm gia vị vừa ăn.
- Dùng khi còn nóng để giúp cơ thể tiết mồ hôi, đẩy hàn tà ra ngoài.
Lưu ý: Không nên ăn cháo hành tía tô khi trời quá nóng hoặc cơ thể đang nhiệt cao.
2.4. Cháo hạt sen long nhãn
Hạt sen và long nhãn có tác dụng bổ tỳ, an thần, giúp tăng cường tuần hoàn máu, khí huyết, phù hợp với người đau đầu do suy nhược, mất ngủ (đau đầu do thể huyết hư).
Nguyên liệu: 30g hạt sen, 20g long nhãn, 100g gạo nếp.
Cách chế biến:
- Nấu chín nhừ gạo, hạt sen, sau đó cho long nhãn vào, đun sôi.
- Dùng khi còn ấm.
Lưu ý: Món ăn này không phù hợp với người đang bị cảm mạo hoặc có triệu chứng sốt.
2.5. Thịt vịt hầm thiên ma, sinh địa
Thiên ma có tính bình, vị ngọt, tác dụng bình can tức phong, hoạt huyết, nên phù hợp cho các trường hợp đau đầu, hoa mắt chóng mặt do can dương vượng. Đây là dược liệu quý giúp an thần, ổn định hệ thần kinh, cải thiện tuần hoàn máu lên não, giảm đau đầu do các vấn đề căng thẳng hoặc huyết áp không ổn định. Kết hợp cùng sinh địa có tác dụng thanh nhiệt, bổ huyết, làm dịu tâm trí.
Nguyên liệu: Thịt vịt 500g, thiên ma 10g, sinh địa 15g.
Cách chế biến:
- Thịt vịt làm sạch, cắt miếng vừa ăn.
- Hầm thịt vịt cùng với thiên ma, sinh địa cho chín mềm.
- Ăn thịt, uống nước thuốc khi còn ấm nóng, chia ăn vài lần trong ngày.
2.6. Não lợn hầm thiên ma
Món ăn bài thuốc não lợn hầm thiên ma rất tốt cho người bị đau đầu do phong nhiệt, căng thẳng, mệt mỏi thần kinh. Não lợn giúp bổ não, thiên ma và hồng táo giúp an thần, hoạt huyết.
Nguyên liệu: Não lợn 1-2 bộ, thiên ma 10g, hồng táo 4 quả.
Cách chế biến:
- Thiên ma rửa sạch thái lát. Hồng táo bỏ hạt. Não lợn loại bỏ màng và gân máu.
- Tất cả cho vào bát, thêm nước sâm sấp. Đem hấp cách thủy cho chín.
- Thêm gia vị vừa ăn, ăn khi còn nóng.
2.7. Canh bí đỏ, kỷ tử
Bí đỏ giúp bổ tỳ vị, hạt kỷ tử bổ thận âm, hỗ trợ lưu thông khí huyết... Từ đó giúp giảm đau đầu kinh niên, đặc biệt là đau đầu do khí huyết ứ trệ không thông.
Nguyên liệu: 200g bí đỏ, 10g hạt kỷ tử.
Cách chế biến:
- Nấu bí đỏ đến khi chín mềm, thêm kỷ tử, nêm vừa ăn.
- Dùng món ăn này thường xuyên giúp bổ sung dinh dưỡng, làm dịu thần kinh.
Lưu ý: Không dùng quá nhiều kỷ tử vì có thể gây nóng trong.
2.8. Cháo bách hợp đậu đen
Bách hợp là dược liệu có tác dụng dưỡng âm, giảm căng thẳng thần kinh, kết hợp đậu đen giúp trừ phong, giảm đau đầu hiệu quả.
Nguyên liệu: 20g bách hợp, 30g đậu đen, 50g gạo tẻ.
Cách chế biến:
- Nấu gạo tẻ, đậu đen đến khi nhừ. Sau đó, cho bách hợp vào, tiếp tục nấu.
- Dùng khi còn ấm, đặc biệt phù hợp cho người thường xuyên căng thẳng, mất ngủ.
3. Lưu ý khi sử dụng món ăn bài thuốc chữa đau đầu
Mỗi món ăn có tính nhiệt, hàn khác nhau, do đó, cần lựa chọn món phù hợp với tình trạng đau đầu, thể trạng cá nhân.
Không nên dùng quá nhiều hoặc quá thường xuyên các món ăn có tính hàn hoặc nhiệt vì gây ảnh hưởng đến chức năng các tạng phủ, mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Nên dùng món ăn lúc còn ấm để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh dùng khi quá đói hoặc ngay sau khi ăn các món quá lạnh.
Món ăn bài thuốc chỉ hỗ trợ giảm triệu chứng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đau đầu kéo dài.
Theo suckhoedoisong.vn