leftcenterrightdel
 

Khi bạn tăng cân mà không có lý do rõ ràng, điều này có thể liên quan đến sự thay đổi hormone. Những thay đổi này có thể xảy ra theo tuổi tác, mãn kinh hoặc vấn đề y tế.

Hormone (nội tiết tố) là những chất quan trọng đóng vai trò là chất truyền tin hóa học trong cơ thể. Hormone tạo điều kiện thuận lợi cho hầu hết mọi quá trình của cơ thể, bao gồm cả quá trình trao đổi chất, cảm giác đói và no. Do có mối liên hệ với cảm giác thèm ăn nên một số hormone cũng đóng một vai trò quan trọng đối với trọng lượng cơ thể.

1. Dấu hiệu tăng cân do hormone

Một số dấu hiệu có thể gợi ý cho bạn rằng, tình trạng tăng cân của bạn có liên quan đến hormone:

- Cảm giác đói và thèm ăn dai dẳng, đặc biệt là thèm đồ ngọt và tinh bột.

- Mất ngủ hoặc cảm thấy năng lượng thấp mặc dù ngủ đủ giấc.

- Thường xuyên thay đổi tâm trạng, chẳng hạn như cáu kỉnh, lo lắng hoặc trầm cảm.

- Khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc không cảm thấy sảng khoái sau giấc ngủ.

- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

- Mọc mụn trứng cá dù vệ sinh da sạch sẽ.

- Đổ mồ hôi thường xuyên.

- Sương mù não hoặc không có khả năng suy nghĩ rõ ràng.

leftcenterrightdel
Mệt mỏi, thay đổi tâm trạng là những dấu hiệu phổ biến ở những người tăng cân do hormone (Ảnh: Internet) 

Các vùng dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng cân do hormone

Các khu vực tăng cân do hormone và phân bố mỡ khác nhau giữa hai giới theo những cách sau:

- Đàn ông tăng cân ở vùng bụng.

- Phụ nữ tiền mãn kinh tăng cân quanh hông và đùi.

- Phụ nữ sau mãn kinh tăng cân ở vùng bụng giống như nam giới.

2. Các loại hormone có thể ảnh hưởng đến cân nặng

Có 9 loại hormone có thể ảnh hưởng đến cân nặng của bạn, cụ thể:

- Insulin

Insulin là hormone lưu trữ chính trong cơ thể, được sản xuất bởi tuyến tụy. Khi tế bào ngừng phản ứng với insulin, điều này được gọi là kháng insulin. Kháng insulin có liên quan đến béo phì và dẫn tới một số tình trạng khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim.

- Leptin

Leptin là một loại hormone tạo cảm giác no. Tuy nhiên, nếu gặp tình trạng kháng leptin, bạn có thể sẽ ăn quá nhiều do vùng não dưới đồi không được thông báo cảm giác no. Điều này có thể dẫn tới tăng cân, béo phì.

- Ghrelin

Ghrelin về cơ bản là đối lập với leptin. Đó là hormone đói gửi thông điệp tới vùng dưới đồi của bạn cho biết dạ dày của bạn đang trống và cần thức ăn. Chức năng chính của loại hormone này là tăng sự thèm ăn.

Tuy nhiên, ở những người béo phì, dường như mức ghrelin thấp nhưng nhạy cảm hơn với tác dụng của nó. Sự nhạy cảm này có thể dẫn đến việc ăn quá nhiều.

- Cortisol

Cortisol được gọi là hormone gây căng thẳng và được sản xuất bởi tuyến thượng thận. Nếu mức cortisol cao mãn tính có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim, tiểu đường, mức năng lượng thấp, huyết áp cao, rối loạn giấc ngủ và tăng cân.

leftcenterrightdel
Stress có thể làm tăng hormone cortisol và gây tăng cân (Ảnh: Internet) 

- Estrogen

Estrogen là một loại hormone giới tính chịu trách nhiệm điều chỉnh hệ thống sinh sản nữ, cũng như hệ thống miễn dịch, xương và mạch máu.

Mức estrogen cao hay thấp đều có liên quan đến cân nặng và nhiều vấn đề sức khoẻ. Nồng độ estrogen cao có liên quan đến bệnh béo phì, tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và các bệnh mãn tính khác. Estrogen thấp cũng có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể và lượng mỡ trong cơ thể, do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

- Neuropeptide Y

Neuropeptide Y (NPY) là một loại hormone được sản xuất bởi các tế bào trong não và hệ thần kinh, có tác dụng kích thích sự thèm ăn và giảm tiêu hao năng lượng khi nhịn ăn hoặc căng thẳng.

Vì có thể kích thích lượng thức ăn ăn vào nên loại hormone này có liên quan đến béo phì và tăng cân.

- Peptide giống Glucagon-1

Glucagon-like peptide-1 (GLP-1) là một loại hormone được sản xuất trong ruột khi chất dinh dưỡng đi vào ruột của bạn. Hormone này đóng vai trò chính trong việc giữ lượng đường trong máu ổn định và khiến bạn cảm thấy no. Nếu có vấn đề với tín hiệu GLP-1 có thể làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì.

- Cholecystokinin

Giống như GLP-1, cholecystokinin (CCK) là một loại hormone tạo cảm giác no được sản xuất bởi các tế bào trong ruột sau bữa ăn. Hormone cholecystokinin cũng quan trọng đối với việc sản xuất năng lượng, tổng hợp protein, tiêu hóa và các chức năng cơ thể khác, đồng thời làm tăng sự giải phóng hormone leptin gây no.

Việc giảm độ nhạy đối với tác dụng của cholecystokinin có thể dẫn đến ăn quá nhiều, từ đó gây tăng cân.

- Peptide YY

Peptide YY (PYY) là một loại hormone đường ruột khác làm giảm cảm giác thèm ăn. Hormone Peptide YY ở mức độ đủ được cho là đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm lượng thức ăn và giảm nguy cơ béo phì. Nếu hormone này thấp, có thể dẫn đến thèm ăn và ăn nhiều, từ đó dẫn tới tăng cân.

3. Các tình trạng sức khoẻ gây tăng cân do hormone

Một số vấn đề sức khoẻ liên quan đến hormone có thể gây tăng cân. Những vấn đề này thường xảy ra do di truyền, lão hóa hoặc các tình trạng không kiểm soát được khác. Cụ thể:

- Mãn kinh

Trong thời kì mãn kinh, việc sản xuất estrogen giảm xuống. Các tác động của mức estrogen thấp trong thời kỳ mãn kinh góp phần gây tăng cân bao gồm:

+ Giảm khối lượng cơ nạc

+ Tốc độ trao đổi chất chậm hơn

+ Cần ít calo hơn để duy trì cân nặng bình thường

+ Phân phối lại lượng mỡ trong cơ thể, mỡ thường tập trung ở vùng bụng

+ Rối loạn giấc ngủ

- Lạc nội mạc tử cung

Mặc dù không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa bệnh lạc nội mạc tử cung và tăng cân. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung có thể gây tăng cân như điều trị bằng thuốc tránh thai có chứa estrogen và progesterone.

- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Tăng cân và béo phì phổ biến hơn ở phụ nữ mắc buồng trứng đa nang PCOS. Phần lớn tình trạng tăng cân này có liên quan đến những bất thường về hormone và gây ra tình trạng kháng insulin - một yếu tố nguy cơ đã biết đối với bệnh béo phì.

leftcenterrightdel
Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường bị tăng cân (Ảnh: Internet) 

- Mất ngủ

Nghiên cứu cho thấy những người không ngủ đủ giấc dễ bị tăng cân. Mất ngủ có liên quan đến các yếu tố sau đây có thể gây ra tình trạng thừa cân:

+ Độ nhạy insulin

+ Mức độ leptin thấp hơn

+ Mức ghrelin cao hơn

+ Mức độ cao hơn của các dấu hiệu viêm

+ Giữ muối

4. Tăng cân do hormone không được điều trị sẽ có nguy cơ gì?

Khi tăng cân do hormone không được điều trị, nó sẽ tạo tiền đề cho một loạt các rủi ro và biến chứng sức khỏe nghiêm trọng như:

- Tiểu đường loại 2

- Vô sinh

- Rối loạn tâm trạng

- Tăng huyết áp

- Cholesterol cao

- Bệnh tim hoặc đột quỵ

- Ngưng thở khi ngủ

- Hen suyễn

- Giảm tuổi thọ

leftcenterrightdel
Tăng cân do hormone có thể làm tăng nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khoẻ (Ảnh: Internet) 

5. Làm thế nào để giảm cân do hormone

Giảm cân do tăng cân do hormone bắt đầu bằng việc tìm ra các hormone ảnh hưởng đến cân nặng của bạn. Nếu bạn bị mất cân bằng do vấn đề y tế tiềm ẩn, bạn cũng cần được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Ngoài ra, giống như bất kỳ mục tiêu giảm cân nào, bạn cũng cần phải có những thay đổi trong lối sống, chẳng hạn:

Thay đổi chế độ ăn uống để giảm lượng calo nạp vào. Chẳng hạn như tránh ăn thực phẩm nhiều đường, carb và tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ và protein.

Tập thể dục thường xuyên để đốt cháy calo, giúp cơ thể trao đổi chất tốt hơn và đặc biệt có thể hỗ trợ cân bằng sự rối loạn hormone. Bạn có thể chạy độ, đạp xe, bơi lội, tập tạ, nhảy dây... hàng ngày.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tối thiểu nên dành 150 đến 300 phút hoạt động vừa phải mỗi tuần hoặc 75 đến 150 phút hoạt động mạnh mỗi tuần (hoặc kết hợp cả hai).

Ngủ đủ giấc, bạn nên đảm bảo ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm.

Tránh tình trạng căng thẳng bằng cách tập yoga, thiền, nghe nhạc, viết nhật ký...

Vân Anh/Nguồn: Tổng hợp