Thực phẩm có hàm lượng natri cao không tốt cho những người bị bệnh thận và tiểu đường - SHUTTERSTOCK
Các hướng dẫn về chế độ ăn uống cho bệnh thận và bệnh tiểu đường khác nhau tùy vào giai đoạn của bệnh.
Sau đây là 8 loại thực phẩm nên tránh hoặc hạn chế đối với người bệnh thận và tiểu đường, theo Healthline.
1. Thịt chế biến
Thịt chế biến thường nhiều muối nên có hàm lượng natri khá cao.
Thực phẩm có hàm lượng natri cao không tốt cho những người bị bệnh thận và tiểu đường vì lượng natri dư thừa có thể làm hại thận thêm. Điều này có thể làm tăng huyết áp và gây tụ dịch ở mắt cá chân, xung quanh tim và phổi.
Hãy thay thế thịt chế biến bằng thịt nạc, không da chứa ít natri hơn như ức gà.
2. Nước ngọt có màu sẫm
Hầu hết các loại nước ngọt có màu sẫm chứa nhiều phốt pho.
Nồng độ phốt pho trong máu cao trong một thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, làm yếu xương và tăng nguy cơ tử vong sớm.
Nước ngọt và đồ uống có đường khác cũng chứa nhiều đường. Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài có thể làm tổn thương dây thần kinh, tổn thương thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
3. Trái cây nhiều kali
Nếu bị bệnh thận, cơ thể không thể loại bỏ kali đúng cách, điều này có thể dẫn đến tăng nồng độ kali trong máu. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây mệt mỏi, yếu cơ, các vấn đề về tim và thậm chí tử vong.
Trái cây nói chung rất tốt cho sức khỏe. Trái cây giàu kali (bao gồm chuối, bơ, mơ, kiwi và cam...) thì không có lợi cho những người bị bệnh thận, nên phải hạn chế.
Nhưng cũng có rất nhiều loại trái cây có hàm lượng kali thấp, lành mạnh mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn uống của mình, nhưng phải luôn nhớ là ăn một cách điều độ, chừng mực. Nho, quả mọng, dứa, xoài và táo là một vài ví dụ.
4. Trái cây khô
Trái cây sấy khô không lý tưởng cho những người bị bệnh thận và tiểu đường vì chúng chứa nhiều đường và khoáng chất như kali.
5. Thức ăn nhanh
Một số ví dụ về các loại thực phẩm này là mì ăn liền, bánh pizza đông lạnh, bữa ăn đóng hộp đông lạnh.
Những thực phẩm này cũng được chế biến nhiều và thường chứa nhiều tinh bột tinh chế. Loại tinh bột này được tiêu hóa nhanh chóng và có xu hướng làm tăng đột biến lượng đường trong máu.
Trái cây khô không tốt cho người tiểu đường vì chứa nhiều đường và kali - SHUTTERSTOCK
6. Một số loại rau chứa nhiều kali
Rau bó xôi, rau dền, cải cầu vồng chứa rất nhiều kali, theo Healthline.
Các loại rau này và một số loại rau lá xanh khác cũng chứa nhiều axit oxalic - khi liên kết với canxi sẽ tạo thành các thể oxalat và có thể hình thành sỏi thận. Bên cạnh việc gây đau đớn, sỏi thận còn có thể làm tổn thương thận và làm suy giảm chức năng của chúng.
7. Đồ ăn vặt
Đồ ăn vặt như khoai tây chiên, bánh quy giòn thường chứa nhiều muối và tinh bột, không phù hợp với những người bị bệnh thận và tiểu đường.
8. Khoai tây và khoai lang
Khoai tây và khoai lang có nhiều kali, không tốt với những người bị bệnh thận, đặc biệt là những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, khoai tây và khoai lang nếu ngâm hoặc rửa kỹ có thể giảm đáng kể hàm lượng kali, theo Healthline.
Trong một nghiên cứu, khoai tây cắt mỏng và nhỏ, rồi luộc trong ít nhất 10 phút sẽ làm giảm khoảng 50% hàm lượng kali.
Theo thanhnien