leftcenterrightdel
 Tập thể dục được xem là thói quen có tác động lớn nhất đến tuổi thọ của con người. Ảnh: Goodwinliving.

Tác giả chính, Tiến sĩ Xuan Mai Nguyen, Chuyên gia Khoa học Sức khỏe tại Bộ Cựu chiến binh, nghiên cứu sinh tại Đại học Y khoa Carle Illinois, cho biết, mọi người có khoảng 20 năm để tập những thói quen này, tập dần dần hay tất cả cùng lúc đều được.

Mọi người có thể áp dụng những thói quen này càng sớm càng tốt, nhưng nếu muốn sống thêm 24 năm, bạn chỉ cần đưa cả 8 thói quen này vào cuộc sống ở tuổi 40. Nếu áp dụng chúng ở tuổi 50, bạn có thể kéo dài tuổi thọ thêm 21 năm và áp dụng ở tuổi 60, bạn sẽ có thêm 18 năm.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích để xem nếu những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, cholesterol cao, đột quỵ, ung thư và những bệnh tương tự, thì kết quả trên có thay đổi không. Câu trả lời là không. Nếu một người bắt đầu mắc các bệnh mãn tính, việc áp dụng các thói quen trên vẫn có ích.

Những thói quen lành mạnh đó không hề xa lạ, đó là tập thể dục, ăn uống lành mạnh, giảm căng thẳng, ngủ ngon, thúc đẩy các mối quan hệ xã hội tích cực, không hút thuốc, không uống rượu bia quá nhiều và không nghiện thuốc phiện.

Theo TS Xuan Mai Nguyen, mọi người nên áp dụng các thói quen trên càng sớm càng tốt, nhưng ngay cả khi chỉ thực hiện một thay đổi nhỏ ở độ tuổi 40, 50 hay 60, điều đó vẫn có lợi. Điều này không quá khó và đa số mọi người đều có thể thực hiện.

Thói quen tốt bổ sung lẫn nhau

Nghiên cứu trên đã xem xét hành vi lối sống của gần 720 nghìn cựu quân nhân từ 40 - 99 tuổi, nghiên cứu nhằm điều tra sức khỏe và tình trạng sức khỏe của họ. Bà Xuan Mai Nguyen cho biết, chỉ cần thêm một hành vi lành mạnh vào cuộc sống của một nam giới ở tuổi 40, anh ta sẽ kéo dài thêm 4,5 năm cuộc đời.

Nếu áp dụng 3 thói quen, người đó có thể thêm 8,6 năm cuộc đời. Thói quen lành mạnh tăng lên thì những lợi ích dành cho nam giới cũng tăng theo, giúp họ thêm tới 25 năm tuổi thọ.

Theo tác giả nghiên cứu, phụ nữ cũng có những bước nhảy vọt trong tuổi thọ, mặc dù các con số cộng lại khác với nam giới. Áp dụng một thói quen lành mạnh có thể thêm 3,5 năm vào tuổi thọ của một phụ nữ, trong khi 2 thói quen lành mạnh giúp người đó sống thêm 8 năm, áp dụng 3 thói quen giúp sống thêm 12,6 năm và nếu áp dụng tất cả các thói quen lành mạnh, một phụ nữ có thể tăng thêm 22,6 năm tuổi thọ.

“Thực hiện tất cả 8 thói quen lành mạnh có tác dụng tổng hợp, giống như một động lực bổ sung để kéo dài tuổi thọ của bạn, nhưng bất kỳ thay đổi nhỏ nào cũng tạo ra sự khác biệt” - bà nói.

Sau khi điều chỉnh độ tuổi, chỉ số khối cơ thể, giới tính, chủng tộc và dân tộc, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn và mức thu nhập gia đình, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân giảm khoảng 87% đối với người áp dụng tất cả 8 thói quen lành mạnh so với người không áp dụng thói quen nào trong số đó.

Tiến sĩ Walter Willett, tác giả cao cấp của nghiên cứu, đồng thời là nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Trường Y Harvard T.H Chan, cho biết, một điểm quan trọng của nghiên cứu này là dân số đa dạng theo chủng tộc và tình trạng kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
 Chế độ ăn dựa trên thực vật cũng được cho là góp phần tăng tuổi thọ của con người. Ảnh: Health Harvard.

Xếp hạng các thói quen lành mạnh

Nghiên cứu đã có thể xếp hạng 8 thói quen lành mạnh để xem thói quen nào mang lại sự thúc đẩy lớn nhất cho tuổi thọ.

Thứ nhất là tập thể dục. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một trong những hành vi quan trọng nhất mà bất kỳ ai cũng có thể làm để cải thiện sức khỏe của mình. Theo TS Xuan Mai Nguyen, thêm thói quen này giúp giảm 46% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân so với những người không tập thể dục.

Thứ 2 là không nghiện ma túy. Theo nghiên cứu, nó có thể giảm 38% nguy cơ tử vong sớm.

Thứ 3 là không dùng thuốc lá, giúp giảm 29% nguy cơ tử vong. Điều này không áp dụng với người từng hút thuốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, ngừng hút thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời đều mang lại những lợi ích lớn cho sức khỏe.

Thứ 4 là kiểm soát căng thẳng, nó giúp giảm 22% tỷ lệ tử vong sớm, theo nghiên cứu trên. Các chuyên gia cho biết căng thẳng đang lan tràn ở Mỹ ngày nay, với những hậu quả tàn khốc đối với sức khỏe.

Thứ 5 là có chế độ ăn chủ yếu dựa trên thực vật sẽ tăng 21% cơ hội sống lâu hơn. Tuy nhiên, bà Nguyen cho biết điều đó không có nghĩa là bạn phải ăn chay hoặc thuần chay.

Thứ 6 là tránh uống rượu say, tức là uống hơn 4 ly rượu mỗi ngày. Điều này giúp giảm 19% nguy cơ tử vong. Các nghiên cứu khác phát hiện ra rằng bất kỳ lượng rượu nào cũng có thể không tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu cho thấy, thậm chí chỉ một ly rượu cũng có thể gây ra nhịp tim không đều được gọi là rung tâm nhĩ.

Thứ 7 là ngủ ngon. Việc ngủ ít nhất 7 - 9 giờ mỗi đêm mà không bị mất ngủ có thể giảm 18% tỷ lệ tử vong sớm do mọi nguyên nhân. Hàng chục nghiên cứu đã liên kết giấc ngủ kém với tất cả các loại kết quả sức khỏe yếu, gồm tử vong sớm.

Thứ 8 là có các mối quan hệ xã hội tích cực. Điều này giúp kéo dài tuổi thọ thêm 5%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, sự cô đơn và cô lập, đặc biệt là ở những người lớn tuổi, ngày càng trở nên phổ biến và đáng lo ngại.

Y học lối sống nhằm giảm thiểu các nguyên nhân cơ bản gây bệnh mạn tính hơn là điều trị các triệu chứng khi chúng đã hình thành. Lĩnh vực này cung cấp con đường tiềm năng để thay đổi thói quen chăm sóc hàng ngày, TS Xuan Mai Nguyen cho biết.

Theo giaoducthoidai