Thiếu nước có thể làm tăng đường huyết - SHUTTERSTOCK
Ngay cả khi theo dõi cẩn thận những gì ăn và uống vào, vẫn sẽ có một số yếu tố ảnh hưởng nằm ngoài tầm kiểm soát, theo Everyday Health.
Dưới đây là 9 nguyên nhân bất ngờ gây tăng đường huyết.
1. Mất nước
Thiếu chất lỏng khiến đường trong hệ tuần hoàn trở nên cô đặc hơn và có thể dẫn đến tăng đường huyết. Lượng đường trong máu cao có thể khiến đi tiểu nhiều hơn, dẫn đến mất nước nhiều hơn.
2. Chất làm ngọt nhân tạo
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường sử dụng đồ uống dành cho người ăn kiêng. Họ yên tâm vì nghĩ rằng đồ uống không đường sẽ không làm tăng lượng đường trong máu của họ.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng một số chất làm ngọt không calo có thể gây tiêu chảy, góp phần làm mất nước.
Nên rửa tay trước khi kiểm tra đường huyết và sử dụng giọt máu thứ hai sau khi lau sạch giọt máu đầu tiên - SHUTTERSTOCK
3. Một số loại thuốc
Một số loại thuốc kháng viêm, thuốc trị rối loạn tự miễn dịch và thuốc trị hen suyễn có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên đáng kể.
Thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, một số thuốc lợi tiểu và thuốc thông mũi cũng có thể làm các chỉ số đường huyết cao hơn bình thường, trong khi một số loại thuốc khác có thể làm giảm lượng đường trong máu hoặc khó nhận ra các dấu hiệu hạ đường huyết hơn.
4. Hiện tượng tăng đường huyết sáng sớm
Khi chuẩn bị thức dậy, cơ thể giải phóng cortisol và các hoóc môn khác trong khoảng thời gian từ 2 đến 8 giờ sáng. Những hoóc môn này làm cho cơ thể ít nhạy cảm hơn với insulin. Ở những người bị bệnh tiểu đường, nó có thể góp phần làm tăng lượng đường trong máu vào sáng sớm.
Ngoài ra, mức đường huyết buổi sáng có thể thấp nếu dùng quá nhiều insulin hoặc sử dụng thuốc vào ban đêm hoặc không ăn đủ vào buổi tối hôm trước, theo Everyday Health.
5. Chu kỳ kinh nguyệt
Theo Bệnh viện Women’s College (Canada), một số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trở nên ít nhạy cảm hơn với insulin trong vòng 1 tuần trước khi đến kỳ kinh nguyệt, điều này có thể khiến lượng đường cao hơn mức bình thường. Các chỉ số thường trở lại bình thường ngay sau khi bắt đầu kinh nguyệt.
6. Ngủ không đủ giấc
Một đánh giá, được công bố trên tạp chí về bệnh tiểu đường Diabetes Therapy, kết luận rằng thiếu ngủ có thể cản trở việc kiểm soát glucose và độ nhạy insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
7. Thời tiết khắc nghiệt
Một số người có thể thấy lượng đường trong máu của họ tăng cao vào những ngày nóng bức vì thời tiết khó chịu khiến cơ thể thêm căng thẳng.
Hơn nữa, nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng insulin. Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể, đồng thời khiến cơ thể mất nước nhanh hơn.
8. Đi du lịch
Sự thay đổi thời gian có thể làm gián đoạn lịch dùng thuốc và gây ra thói quen ăn uống và ngủ nghỉ bất thường, cản trở việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngoài ra, khi đi nghỉ hoặc đi du lịch, bạn có thể ăn nhiều hơn, uống nhiều rượu hơn hoặc hoạt động nhiều hơn, tất cả đều có thể gây ra sự thay đổi đường huyết.
9. Quá nhiều caffeine
Theo Mayo Clinic (Mỹ), tiêu thụ dưới 400 mg caffeine mỗi ngày là an toàn đối với hầu hết mọi người, nhưng ở những người mắc bệnh tiểu đường, chất này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của insulin, dẫn đến lượng đường trong máu thấp hoặc cao, theo Everyday Health.
Theo thanhnien