Ớt kích thích cơn đau dạ dày, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Ảnh: Faafood

Dược sĩ dinh dưỡng Trần Thị Hải, Phòng khám Đông y Sài Gòn, cho biết các loại gia vị cay như ớt, gừng, tỏi, tiêu có chứa capsaicin, chất kiềm có tác dụng kích thích vị giác, làm tăng cảm giác ngon miệng trong mỗi bữa ăn. Vitamin A, C, các chất kháng sinh thực vật alicin trong thực phẩm cay chống lại virus gây bệnh, tăng sức đề kháng. Tinh dầu từ gừng, tỏi giúp sát trùng, diệt khuẩn, chống viêm nhiễm nhờ chứa glucogen. 

Theo Đông y, các thực phẩm cay có tính nóng, tốt trong việc tăng cường tuần hoàn máu và nâng cao nhiệt độ cơ thể khi trời lạnh. Tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn cay.

Những nhóm người không nên ăn cay:

Người mắc bệnh dạ dày

Người bị các chứng bệnh như viêm dạ dày mạn tính, viêm loét dạ dày, phù nề, ung thư dạ dày... không nên ăn cay. Các thực phẩm cay nóng có thể kích thích mạnh đến niêm mạc gây xung huyết, các vết viêm loét trở nên trầm trọng, ảnh hưởng đến sự hồi phục chức năng tiêu hóa.

Người mắc bệnh tim

Tác dụng kích thích của các gia vị cay khiến tuần hoàn máu tăng lên đột ngột làm nhịp tim người mắc bệnh càng nhanh hơn, có thể dẫn tới truỵ tim mạch. Nếu ăn cay quá nhiều trong thời gian ngắn dễ làm suy thoái sức tim cấp tính, gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Người mắc bệnh thận

Những người có vấn đề về thận nên kiểm soát tốt chuyện ăn uống, nhất là gia vị cay trong các món ăn hằng ngày. Các nguyên tố mang vị cay đều phải thông qua thận để thải ra ngoài, trong quá trình này sẽ gây tổn thương đến tế bào thận, thậm chí gây thoái hóa chức năng thận.

Người bị viêm túi mật, sỏi mật

Capsaicin trong ớt kích thích axit dạ dày tiết ra nhiều, khiến các bệnh liên quan đến túi mật nghiêm trọng hơn. Người bệnh khi ăn các đồ ăn cay có thể làm các thành động mạch co lại, quá trình tiết mật trong túi mật gặp nhiều khó khăn. 

Người đang bị trĩ

Trĩ là một triệu chứng thường xảy ra ở những người bị nội nhiệt và chế độ ăn không đủ chất xơ. Ăn đồ cay gây kích thích búi trĩ, khiến tình trạng sưng phù, xung huyết nghiêm trọng hơn. 

Người bị viêm loét miệng

Viêm loét miệng sẽ nhạy cảm với gia vị cay. Nếu không kiêng cữ trong thời gian điều trị sẽ khiến vết loét nặng thêm và lâu khỏi, gây đau đớn cho người bệnh.

Phụ nữ mang thai và mới sinh con

Sức khỏe của phụ nữ đang mang thai hoặc vừa trải qua sinh nở thường yếu hơn. Ăn cay quá nhiều khiến cơ thể bị nóng, ảnh hưởng quá trình phục hồi, chức năng dạ dày và đường ruột.

Người đang dùng thuốc Đông y

Trong thời gian sử dụng thuốc Đông y cần kiêng đồ lạnh, đồ cay để tránh làm giảm hiệu quả điều trị. Người bệnh nên có chế độ ăn uống đủ chất nhưng phải thanh đạm giúp giảm bớt gánh nặng cho cơ thể.

Theo vnexpress