leftcenterrightdel
 

Cà chua là một loại trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt cà chua phù hợp với mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ tới người lớn tuổi.

Cà chua có thể được chế biến thành nhiều món ăn như ăn cà chua sống trong salad, trứng xào cà chua, canh cà chua, cà chua nướng... Một trong những cách ăn cà chua giúp tận dụng tối đa dinh dưỡng của loại quả này chính là ăn súp cà chua.

1. Lợi ích của súp cà chua đối với sức khỏe

Theo Healthline, dưới đây là những tác dụng của súp cà chua đối với sức khỏe dựa trên các nghiên cứu khoa học.

- Giá trị dinh dưỡng cao

Cà chua tương đối ít calo nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng cùng các hợp chất thực vật có lợi. Trong một quả cà chua sống khoảng 182 gam có chứa: 33 calo, 7 gam carbohydrate, 2 gam chất xơ cùng 1,6 gam protein và 0,4 gam chất béo. Thêm vào đó, cà chua cũng cung cấp 28% DV vitamin C (giá trị dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày), 12% DV vitamin K, 8% DV vitamin A và 9% DV kali.

leftcenterrightdel
Cà chua tương đối ít calo nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng cùng các hợp chất thực vật có lợi (Ảnh: Internet) 

Cà chua cũng giàu carotenoid, cụ thể là lycopene tương đương khoảng 80% DV lycopene. Đây là hợp chất tạo nên màu đỏ tươi đặc trưng của cà chua và là thành phần chính đem lại giá trị dinh dưỡng cao cho cà chua.

Điều quan trọng là lycopene được hấp thụ tốt hơn sau khi nấu chín nên ăn súp cà chua là lựa chọn phù hợp để tận dụng tối đa lợi ích chất dinh dưỡng trong nó.

- Chống oxy hóa mạnh mẽ

Súp cà chua là một nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời, bao gồm lycopene, flavonoid, vitamin C, vitamin E và nhiều chất khác.

Chất chống oxy hóa là hợp chất giúp trung hòa tác hại của stress oxy hóa. Điều này xảy ra khi gốc tự do tích tụ trong cơ thể và gây hại, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường type, thậm chí là ung thư.

- Tiềm năng chống ung thư

Cà chua được nghiên cứu rộng rãi về đặc tính chống ung thư nhờ hàm lượng cao lycopene. Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa lượng lycopene cao, đặc biệt là trong cà chua được nấu chín với việc giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú nhờ khả năng làm chậm sự phát triển của khối u và tiêu diệt tế bào ung thư.

leftcenterrightdel
Lycopene trong cà chua được hấp thụ tốt nhất khi nấu chín (Ảnh: Internet) 

Theo Healthline, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu carotenoid cũng liên quan tới việc giảm đến 28% nguy cơ ung thư vú. Các carotenoid này bao gồm: Alpha carotene, beta carotene và lycopene.

Tuy nhiên chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn về tác dụng chống ung thư của cà chua. Bởi có một số nghiên cứu khác cho thấy khả năng chống oxy hóa của cà chua có thể ảnh hưởng tới quá trình hóa xạ trị và tác dụng chống ung thư của nó chưa đủ mạnh để sử dụng như một loại thuốc ngừa ung thư độc lập. Do vậy mà người đang mắc ung thư cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

- Tăng cường sức khỏe làn da và thị lực

Một nghiên cứu năm 2019 với sự tham gia của 149 người trưởng thành khỏe mạnh sử dụng bổ sung 15 mg lycopene và 0,8 mg beta carotene trong 12 tuần. Kết quả cho thấy chất bổ sung này giúp bảo vệ làn da của người tham gia khỏi tác hại của tia UV từ ánh nắng mặt trời.

Vitamin A và carotenoid từ cà chua cũng có lợi cho sức khỏe của mắt, bao gồm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác hoặc suy giảm thị lực do lão hóa tự nhiên.

leftcenterrightdel
Vitamin A và carotenoid từ cà chua có lợi cho sức khỏe của mắt (Ảnh: Internet) 

- Cải thiện sức khỏe xương

Loãng xương là một bệnh mãn tính đặc trưng bởi tình trạng xương giòn và dễ gãy. Loãng xương thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lycopene đóng vai trò thiết yếu trong việc điều chỉnh quá trình trao đổi chất của xương bằng cách tăng mật độ khoáng của xương và giúp giảm nguy cơ gãy xương.

- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Hàm lượng lycopene và vitamin C có trong súp cà chua có thể ngăn ngừa quá trình oxy hóa cholesterol xấu - một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch đồng thời giảm sự hấp thụ cholesterol trong ruột, và cải thiện chức năng của cholesterol tốt. Carotenoid trong cà chua cũng giúp hạ huyết áp.

Cả hai yếu tố này đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hiệu quả.

- Tăng cường khả năng sinh sản của nam giới

Stress oxy hóa là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới vô sinh ở nam giới do giảm khả năng sống và vận động của tinh trùng. Một nghiên cứu năm 2017 trên 44 nam giới bị vô sinh được tiêu thụ súp hoặc nước ép cà chua cho thấy nồng độ lycopene trong máu được cải thiện, nhờ đó mà khả năng vận động của tinh trùng cũng tăng lên.

leftcenterrightdel
Việc bổ sung lycopene có thể là một phương pháp điều trị vô sinh tiềm năng (Ảnh: Internet) 

Theo Healthline, việc bổ sung lycopene có thể là một phương pháp điều trị vô sinh tiềm năng nhờ đặc tính chống oxy hóa của lycopene có thể làm tăng cơ hội sản xuất lượng tinh trùng khỏe mạnh cao hơn.

- Tăng cường khả năng miễn dịch

Hàm lượng vitamin C và carotenoid dồi dào trong súp cà chua có thể kích thích hệ miễn dịch và ngăn ngừa cảm lạnh thông thường cũng như giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc cảm lạnh.

2. Tác dụng phụ có thể gặp khi ăn súp cà chua

Mặc dù súp cà chua có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe nhưng loại súp này cũng có một số nhược điểm, bao gồm:

- Các vấn đề với hệ tiêu hóa

Cà chua có tính axit mạnh. Tiêu thụ các sản phẩm từ cà chua bao gồm sốt, súp, sinh tố, nước ép có thể làm cho dạ dày sản xuất ra quá nhiều axit dạ dày dẫn tới trầm trọng thêm triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản bao gồm ợ chua. Ngoài ra, trong cà chua chứa một loại đường tự nhiên, một số người kém dung nạp fructose hoặc không dung nạp fructose khi ăn cà chua có thể bị gặp các vấn đề sức khỏe như chuột rút, đau bụng, tiêu chảy, táo bón.

leftcenterrightdel
 Tiêu thụ các sản phẩm từ cà chua bao gồm sốt, súp, sinh tố, nước ép có thể làm cho dạ dày sản xuất ra quá nhiều axit dạ dày (Ảnh: Internet)

- Dị ứng

Mặc dù hiếm nhưng một số người có thể bị dị ứng khi ăn cà chua do phản ứng quá mức với protein trong cà chua dẫn tới các triệu chứng như ngứa ran miệng, họng, môi hay nổi mẩn. Nghiêm trọng hơn, dị ứng cà chua có thể dẫn tới nôn mửa, tiêu chảy, buồn nôn hoặc sốc. Người bị dị ứng với cỏ phấn hoa có nguy cơ dị ứng với cà chua cao hơn.

- Ngộ độc

Nếu ăn cà chua xanh, bạn sẽ có nguy cơ ngộ độc do alkaloi do hàm lượng alkaloi trong cà chua xanh tương đối cao. Các triệu chứng ngộ độc do ăn cà chua xanh như buồn nôn, nôn mửa, tiết nước bọt, yếu sức, mệt mỏi… có thể đe dọa tính mạng.

3. Cách làm súp cà chua đơn giản, thơm ngon tại nhà

Đầu tiên, khi nấu súp cà chua cần nhớ, nếu đun cà chua ở nhiệt độ cao quá lâu hoặc đun đi đun lại nhiều lần thì sẽ làm mất đi các vitamin và làm giảm giá trị dinh dưỡng có trong cà chua.

leftcenterrightdel
 Cách làm súp cà chua đơn giản, thơm ngon tại nhà (Ảnh: Internet)

Để nếu súp cà chua tại nhà, bạn cần chuẩn bị: Cà chua, hành tây, rau mùi (ngò) cùng các gia vị cần thiết như hành khô, muối, hạt nêm, hạt tiêu, nước mắm. Thực hiện theo các bước sau:

- Rửa sạch cà chua, cắt hạt lựu hoặc bổ múi cau tùy thích nhưng nên cắt hạt lựu nhỏ để cà chua nhanh nhuyễn hơn. Hành tây lột vỏ, cắt thành miếng vừa ăn.

- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào phi thơm hành tới khi hơi vàng thì cho cà chua và hành tây đã cắt nhỏ vào đảo đều tới khi nhuyễn thì thêm nước vào. Tùy vào độ đặc muốn ăn mà bạn có thể thêm ít hoặc nhiều nước tùy thích.

- Khi hỗn hợp sôi thì hạ nhỏ lửa rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng, đun thêm khoảng vài phút rồi tắt bếp, cho rau mùi vào trước khi ăn.

Súp cà chua có thể ăn cùng cơm, chấm bánh mỳ hoặc ăn cùng rau xà lách,... Nhìn chung, súp cà chua là một món ăn dễ làm, ngon miệng và tốt cho sức khỏe. Nếu đang điều trị bệnh bằng thuốc theo đơn của bác sĩ, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thêm cà chua vào chế độ ăn để tránh các tương tác thuốc không mong muốn.

Châu Anh/Nguồn: Healthline