Nhà vi trùng học Elisa Granato được tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trong dự án của trường Đại học Oxford

 

Theo SCMP, Viện Serum (Ấn Độ) hiện là đối tác duy nhất của trường Đại học Oxford (Anh) trong việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 và cũng là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Tiến sỹ Adar Poonawalla, Giám đốc Viện Serum tiết lộ: "Chúng tôi quyết định sản xuất đại trà vaccine ngay khi thử nghiệm trên động vật cho kết quả thành công và thử nghiệm trên người cũng khá tích cực".

Thử nghiệm trên 6 con khỉ vàng diễn ra hồi tháng trước tại phòng thí nghiệm Rocky của Viện Y tế Quốc gia (Hoa Kỳ). 6 con khỉ được tiêm vaccine do trường Đại học Oxford phát triển, sau đó được cho phơi nhiễm Covid-19. Sau 28 ngày, tất cả những con khỉ tiêm chủng đều khỏe mạnh. Theo bác sỹ Vincent Munster, một thành viên trong tổ nghiên cứu của dự án sản xuất vaccine, khỉ vàng có những yếu tố rất giống người nên thường được chọn để thử nghiệm vaccine trên động vật.

Hiện nay, vaccine này đang được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên và dự kiến sẽ cho kết quả cuối cùng vào tháng 9/2020. Tiến sỹ Poonawalla hi vọng thử nghiệm vaccine sẽ có kết quả thành công. Tuần trước, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Oxford cho biết, vấn đề không phải là vaccine có hiệu quả trên người hay không mà họ thử nghiệm trên người để kiểm tra các tác dụng phụ nếu có.

Chia sẻ với phóng viên hãng tin Reuters, tiến sỹ Poonawalla cho biết: "Đại học Oxford có các chuyên gia hàng đầu, rất có kinh nghiệm. Chúng tôi tin tưởng vào họ và rất tự tin vào dự án này". Ông Poonawalla tiết lộ, Serum là công ty tư nhân, không phụ thuộc vào nhà đầu tư nên mọi rủi ro đều do ông và các thành viên của dự án nghiên cứu vaccine chịu trách nhiệm. Cha của tiến sỹ Poonawalla là người sáng lập Viện Serum và ông hiện đang sở hữu khối tài sản lên đến 8,5 tỉ USD.

Tiến sỹ Poonawalla còn bổ sung, nếu mọi chuyện suôn sẻ, công ty sẽ mở rộng sản xuất vaccine ngừa Covid-19, đạt sản lượng lên đến 400 triệu liều vào năm 2021. Mỗi liều vaccine ước tính có giá khoảng 14,7 USD (khoảng 350.000 VND). Tiến sỹ Poonawalla hy vọng, chính phủ Ấn Độ sẽ tiêm vaccine miễn phí cho người dân và mong chính phủ nước này có thể trang trải chi phí sản xuất vaccine một cách lâu dài.

Khỉ vàng có những yếu tố rất giống người nên thường được chọn để thử nghiệm vaccine trên động vật

Hiện tại, công suất của Viện Serum cho phép họ có thể sản xuất từ 3 đến 5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mỗi tháng, với chi phí khoảng 5 triệu USD. Theo tiến sỹ Poonawalla, chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến dự án của Viện Serum nhưng đôi bên chưa có những hợp đồng ràng buộc chính thức nào.

Viện Serum cũng đã hợp tác với các công ty công nghệ sinh học Codagenix (Hoa Kỳ) và Themis (Áo) trong việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Tiến sỹ Poonawalla tiết lộ, họ sẽ công bố thêm một đối tác nữa trong tuần tới. Trước đó, Hội đồng quản trị của Viện Serum đã đồng ý đầu tư khoảng 6 tỷ rupee (tương đương 8,8 tỷ USD) để xây dựng một cơ sở mới tập trung sản xuất vaccine ngừa Covid-19 này.

N.A (Nguồn: Theo SCMP)