Trái cây trộn sữa chua với hạt chia - Ảnh: T.T.D.

Trái cây, rau và hạt

Trong một nghiên cứu, các tình nguyện viên cao tuổi được chọn ngẫu nhiên ăn ít hơn 2 hoặc ăn nhiều hơn 5 khẩu phần trái cây và rau quả hàng ngày. Kết quả cho thấy, nhóm có mức tiêu thụ trái cây cao hơn có phản ứng miễn dịch tốt hơn với vắc-xin viêm phổi, nhưng không tốt hơn đối với vắc-xin uốn ván.

Do đó, không thể kết luận rằng bất kỳ một loại thực phẩm cụ thể nào cũng sẽ cải thiện chức năng miễn dịch của bạn. Tuy nhiên, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu và thực phẩm tự nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng khác.


Đó là một câu hỏi khó trả lời, chủ yếu là vì hệ thống miễn dịch không phải là một điều mà chúng ta có thể dễ dàng đo lường được. Nó có một hệ thống phức tạp và tinh tế với nhiều thành phần khác nhau. Vì vây, cho đến thời điểm này, việc ăn/uống gì cụ thể, để phòng ngừa và chống lại COVID-19 hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Trên thực tế, việc duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm mô hình ăn uống cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu của bạn là quan trọng. Dường như những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và các bệnh lý chuyển hóa khác có nguy cơ dễ mắc bệnh COVID-19, và nhiều biến chứng hơn.

Bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc các chất bổ sung được xem là có đặc tính tăng cường miễn dịch có thể giúp bảo vệ bạn tránh khỏi COVID-19:

Vitamin C

Trong nhiều thập kỷ, Vitamin C được sử dụng giúp ngăn ngừa cảm lạnh thông thường, duy trì làn da khỏe mạnh, cung cấp một rào cản đối với vi trùng và những tác nhân gây hại khác. Một số nghiên cứu còn cho thấy Vitamin C có thể cải thiện chức năng của một số tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng.

Mặc dù không rõ liệu việc bổ sung Vitamin C có mang lại lợi ích cho phòng chống COVID-19 hay không, nhưng đối với hầu hết mọi người, không có hại gì khi dùng tới 2.000mg mỗi ngày. Nhất là những người hút thuốc và những người có nguy cơ cao được khuyên nên bổ sung thêm.

Tuy nhiên, với liều rất cao, Vitamin C có thể gây tiêu chảy hoặc làm tăng nguy cơ sỏi thận (đặc biệt là ở nam giới), vì vậy không nên dùng quá 2.000mg mỗi ngày.

Vitamin D

Trong những năm gần đây, người ta đã dùng Vitamin D liều cao với mục đích tăng cường miễn dịch. Một đánh giá có hệ thống năm 2017 về 25 thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy: bổ sung Vitamin D có tác dụng phòng chống nhiễm trùng đường hô hấp ở hầu hết mọi người, nhất là những người bị thiếu Vitamin D.

Nếu mức Vitamin D của bạn thấp, bạn cần được bổ sung 2.000 IU mỗi ngày (hoặc hơn, dưới sự chỉ định của bác sĩ). Nhiều người, thậm chí có thể là hầu hết mọi người đang thiếu vitamin D. Vì vậy, có lẽ nên bổ sung Vitamin D ngay bây giờ, đặc biệt là nếu bạn có nguy cơ mắc COVID-19.

Cơ thể có thể tự tạo Vitamin D bằng cách phơi nắng 15 phút mỗi ngày, tốt nhất vào buổi sáng với phần thân hoặc lưng.

Kẽm

Kẽm là một khoáng chất liên quan đến phản ứng của bạch cầu với nhiễm trùng. Vì thế, những người thiếu kẽm dễ bị cảm lạnh, cúm và các loại virus khác. Một phân tích tổng hợp cho thấy bổ sung kẽm giúp giảm trung bình 33% thời gian bị cảm lạnh thông thường.

Uống kẽm bổ sung có thể là một chiến lược tốt cho người già và những người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, chỉ nên uống < 40mg mỗi ngày.

Nghệ

Nghệ chứa một hợp chất màu vàng sáng được gọi là curcumin, được cho là có thể tăng cường chức năng miễn dịch. Tuy nhiên, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy curcumin giúp chống lại nhiễm virus. 

Dẫu vậy, thêm bột nghệ vào thức ăn sẽ tăng thêm hương vị và việc bổ sung chất curcumin không gây ra bất kỳ tác hại nào ở những người khỏe mạnh. Nếu bạn có bất kỳ bệnh nào đặc biệt là nếu đang dùng thuốc làm loãng máu, hãy tư vấn với bác sĩ trước khi bổ sung curcumin.

Tỏi

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát năm 2014 đã phát hiện ra rằng, những người dùng thực phẩm bổ sung tỏi ít bị cảm lạnh và hồi phục nhanh hơn so với những người bị cảm lạnh mà không dùng tỏi. Ngay bây giờ, hãy thưởng thức tỏi vì hương vị nồng nàn và mùi thơm không thể nhầm lẫn của nó thay vì dựa vào nó để tăng khả năng miễn dịch của bạn trong đại dịch coronavirus.

Tinh bột và đường

Bằng chứng cho thấy lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng của nó. Các nghiên cứu cho thấy: chế độ ăn ít tinh bột, đạm vừa phải, giảm chất béo có hiệu quả làm giảm lượng đường trong máu, giảm nguy cơ bị nhiễm trùng và thậm chí có thể đảo ngược bệnh tiểu đường loại 2.

Súp gà / nước hầm xương

Điều trị cảm lạnh và cúm bằng súp gà có thể là huyền thoại phổ biến nhất mọi thời đại.

Một nghiên cứu cho thấy, súp gà có khả năng "ức chế sự di cư của bạch cầu trung tính", có thể cải thiện khả năng phục hồi sau khi bị nhiễm trùng. Mặc dù còn nhiều tranh luận, nhưng với một món súp ngon tự làm với thịt gà, một ít rau, ít tinh bột và ít muối sẽ là một bữa ăn tuyệt vời cho những ngày tự cách ly chống dịch.

Tóm lại, lý do khiến loại corona virus mới này lan truyền rất nhanh và có tác động đáng kể đến mọi người trên khắp thế giới là do chúng ta thiếu khả năng miễn dịch với nó.

Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học mạnh mẽ cụ thể về hệ thống miễn dịch và COVID-19, nhưng việc sử dụng một số chất như trên có thể cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn. Nên dùng Vitamin D vì bạn có thể bị thiếu vào thời điểm này trong năm. Chế độ ăn kiêng low-carb giảm tinh bột và đường, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng có thể góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể.

Tuy nhiên, bạn vẫn cần rửa tay đúng và thực hành cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan của loại virus mới này. Ăn low-carb suốt đời. Không phải chỉ bảo vệ cơ thể chống lại coronavirus mà là vì lợi ích sức khỏe lâu dài.

Tăng cường sức khỏe bằng những điều sau:

1. Ăn một chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp giảm lượng đường trong máu cao.                                                                                                                                                                                

2. Ưu tiên giấc ngủ ngon.

3. Kiểm soát căng thẳng.

4. Ngừng hút thuốc.

5. Tham gia / duy trì tập thể dục vừa phải.

6. Nhận ánh nắng mặt trời và không khí trong lành nếu có thể.

Theo tuoitre