1. Những rủi ro sức khỏe khi ăn quá nhanh
Có một thực tế rằng, do thói quen ăn uống và áp lực về thời gian, nhiều người hiện nay đang có xu hướng ăn quá nhanh. Theo ThS.BS Vũ Tấn Phúc, chuyên khoa Tiêu hoá, quá trình tiêu hóa bắt đầu trong miệng, vì vậy thức ăn cần được nhai kỹ trước khi nuốt. Nhai kỹ thức ăn sẽ giảm bớt căng thẳng cho dạ dày và phần còn lại của đường tiêu hóa sau đó.
Ăn nhanh, nhai nuốt vội vàng ngoài việc làm tăng nguy cơ bị mắc nghẹn còn có thể gây ra nhiều nguy cơ cho sức khoẻ. Nếu ăn quá nhanh, nhai không kỹ, các mảnh thức ăn còn quá lớn có thể gây nghẹn và vi khuẩn tự nhiên trong ruột có thể lên men thức ăn không tiêu và sinh sôi dẫn đến các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu hoặc táo bón.
Ngoài ra, ăn quá nhanh, nhai không kỹ còn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài, làm rối loạn chuyển hóa dẫn đến béo phì, đường huyết tăng cao và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường...
Béo phì
Chắc chắn là khi nhai ít và ăn nhanh sẽ khiến chúng ta tiêu thụ nhiều thức ăn và calo hơn dẫn đến thừa cân hoặc béo phì.
Ăn nhanh có thể làm gián đoạn các hormone trong ruột giúp điều chỉnh sự thèm ăn và cho bạn biết khi nào đã no. Ăn nhanh cũng làm giảm tác dụng sinh nhiệt của thức ăn - là sự tăng cường trao đổi chất xảy ra sau khi ăn.
Bệnh đái tháo đường
Bản thân việc ăn nhanh không gây ra bệnh đái tháo đường. Nhưng thói quen ăn này là yếu tố thúc đẩy cơ thể rơi vào tình trạng đó. Nghiên cứu cho thấy, những người ăn nhanh có nguy cơ kháng insulin cao hơn. Tình trạng này khiến cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả, theo thời gian có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Bên cạnh đó, ăn nhanh có liên quan đến béo phì và béo phì là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng insulin.
Viêm dạ dày
Ăn nhanh không chỉ gây khó chịu đường tiêu hóa như đau bụng, đầy bụng, khó tiêu… mà còn liên quan đến viêm dạ dày. Tình trạng viêm ăn mòn niêm mạc dạ dày, gây ra những vết trợt nông hoặc đôi khi là vết loét sâu.
Những người ăn nhanh hay nhai không kỹ, thậm chí nuốt chửng thức ăn có nhiều khả năng ăn quá nhiều. Khi ăn quá nhiều sẽ khiến thức ăn đọng lại trong dạ dày lâu hơn, do đó niêm mạc dạ dày tiếp xúc với nhiều acid hơn.
Hội chứng chuyển hóa
Kháng insulin có liên quan chặt chẽ đến hội chứng chuyển hóa. Đây là một nhóm các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển không chỉ là bệnh đái tháo đường mà còn cả bệnh tim và đột quỵ. Nghiên cứu cho thấy, những người ăn nhanh có nhiều khả năng mắc hội chứng chuyển hóa hơn những người ăn chậm.
Đặc biệt, nhiều người ăn nhanh thường có vòng bụng lớn và mức cholesterol HDL (cholesterol tốt) thấp. Đây là hai trong số những yếu tố nguy cơ tạo nên hội chứng chuyển hóa và chúng thường là dấu hiệu báo trước của bệnh tim.
Mất kết nối với tín hiệu đói và no
Trên thực tế khi chúng ta ăn, phải mất khoảng 20 phút để dạ dày báo cho não biết rằng nó đã no. Việc thường xuyên ăn nhanh làm mờ các tín hiệu no tự nhiên của cơ thể, bạn có nguy cơ mất liên lạc với các tín hiệu đói và no tự nhiên, lâu dài dễ dẫn đến ăn theo cảm xúc.
2. Cách đơn giản giúp bạn không ăn quá nhanh
Nhai chậm
Một trong cách đơn giản và hiệu quả nhất để ăn chậm lại là nhai kỹ hơn và nhai thức ăn thật chậm. Nhai chậm giúp dạ dày có đủ thời gian để báo hiệu cho não bộ cảm thấy no. Đây cũng là một cách tốt giúp bạn hạn chế ăn quá nhiều.
Tập trung khi ăn
Đến bữa ăn bạn nên ngồi xuống và tập trung vào việc ăn uống. Cần tránh xa những tình huống khiến bạn dễ dàng ngấu nghiến thức ăn mà không chú ý như vừa ăn vừa làm việc, ăn trong ô tô, ăn khi xem ti vi, xem điện thoại… Điều đó không chỉ giúp bạn ăn chậm lại mà còn giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn.
Ăn đúng giờ
Mặc dù việc sắp xếp các bữa ăn vào một giờ nhất định đối với người bận rộn có thể không thuận tiện nhưng cũng không phải là quá khó. Khi bạn lên được kế hoạch về giờ giấc ăn uống thì bạn cũng dễ lựa chọn được danh sách thực phẩm lành mạnh.
Những người không có kế hoạch ăn uống thường có xu hướng chọn ăn bất cứ thứ gì khi cảm thấy đói. Phần lớn trong số đó chọn nhanh các thực phẩm không lành mạnh như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…
Uống một cốc nước trước khi ăn
Có thể bạn đã nghe nói rằng uống nhiều nước hơn có thể giúp giảm cân và điều đó có cơ sở. Khi chúng ta nhận ra mình đang đói, sự thôi thúc đầu tiên là đi tìm thức ăn. Khi đó bạn có thể giảm cảm giác thèm ăn bằng cách uống nước.
Sau khi uống nước cảm giác thèm ăn sẽ giảm một cách tự nhiên. Sau đó bạn có thể ăn chậm lại bình thường và ăn ít thức ăn hơn cũng đã đủ no. Chú ý tránh các loại đồ uống có hàm lượng calo cao, chứa nhiều đường.
Theo suckhoedoisong.vn