ShutterStock
Chế độ ăn uống, lối sống và di truyền đóng vai trò trong việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, sử dụng nhiều đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo Boldsky.
Tiểu đường là bệnh gì?
Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể bị rối loạn không thể điều chỉnh lượng đường huyết.
Điều này xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, hoóc môn giúp tăng vận chuyển glucose từ thức ăn vào các tế bào nhằm dự trữ năng lượng cho cơ thể. Insulin giúp ổn định lượng đường huyết, không để quá cao hoặc quá thấp.
Bệnh tiểu đường có hai loại chính: Bệnh tiểu đường loại 1 (cơ thể không thể tạo ra insulin) và bệnh tiểu đường loại 2 (cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc không thể sử dụng nó một cách hiệu quả). Tiểu đường loại 1 rất hiếm, thường do di truyền. Tiểu đường loại 2 chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh, theo Boldsky.
Tiêu thụ đường dẫn đến sự gia tăng lượng đường trong máu và kích hoạt tuyến tụy giải phóng insulin. Insulin sau đó di chuyển đường từ máu đến các tế bào để chuyển hóa thành năng lượng, phần còn lại sẽ được đưa đến gan, để chuyển đổi đường để tạo năng lượng hoặc dự trứ dưới dạng mỡ trong cơ thể. Phần đường dư thừa sẽ chuyển đổi thành a xít béo và được lưu trữ dưới dạng mỡ trong cơ thể. Từ đó làm tăng nguy cơ béo phì, gan nhiễm mỡ và bệnh tim.
Quá nhiều đường có gây ra bệnh tiểu đường?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người uống đồ uống có đường hằng ngày có 25% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Ngoài ra, uống nước ngọt mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên đến 13%.
Mối liên hệ giữa lượng đường và bệnh tiểu đường rất chặt chẽ và các nhà nghiên cứu tin rằng đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cả trực tiếp và gián tiếp.
Theo cách trực tiếp đường tác động lên gan, gây ra bệnh gan nhiễm mỡ và kháng insulin cục bộ, từ đó gây rối loạn quá trình sản xuất insulin trong tuyến tụy và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo Boldsky.
Ngoài ra, lượng đường dư thừa còn gián tiếp gây ra tăng cân và tăng lượng mỡ trong cơ thể, cũng là các yếu tố tiềm ẩn để phát triển bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, các loại đường tự nhiên trong trái cây và rau quả được tiêu hóa và hấp thụ chậm hơn và ít có khả năng gây tăng đột biến lượng đường trong máu. Thực tế, trái cây và rau quả chứa rất ít đường, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn ít nhất một loại trái cây mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường 7 - 13% so với không ăn trái cây, theo Boldsky.
Các chất làm ngọt tự nhiên như xirô, mật ong, đường dừa có thể được sử dụng làm chất thay thế đường.
Chất ngọt nhân tạo có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?
Chất ngọt nhân tạo không gây tăng đột biến lượng đường trong máu, tuy nhiên, chúng có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2 và kháng insulin. Uống một lon soda ăn kiêng (chỉ dùng đường nhân tạo) mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 từ 25% đến 67%.
Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao các sản phẩm ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Giảm tiêu thụ đường và đồ uống có đường. Ăn nhiều trái cây và rau quả, kiểm tra trọng lượng cơ thể, ngủ đúng cách và tập thể dục hằng ngày có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo Boldsky.
Theo thanhnien