leftcenterrightdel
Ăn quá nhiều hạt sẽ gây nguy cơ đến sức khỏe. Đồ họa: Hạ Mây. 

Tác dụng phụ khi ăn quá nhiều hạt

Các loại hạt thường được coi là nguồn dinh dưỡng dồi dào, được ca ngợi vì chất béo lành mạnh, protein, vitamin và khoáng chất.

Nhiều người coi chúng là món ăn nhẹ hoàn hảo, giúp thỏa mãn cơn đói giữa các bữa ăn. Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại thực phẩm nào, việc tiêu thụ chúng quá mức cũng sẽ có mặt trái.

Bà Nisha, nhà tư vấn dinh dưỡng và bác sĩ dinh dưỡng tại Bệnh viện Motherhood, Gurgaon (Ấn Độ) cho biết, các loại hạt rất giàu chất dinh dưỡng như protein, chất xơ, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải.

Tuy nhiên, khi tiêu thụ quá nhiều, những lợi ích có thể bị lu mờ bởi nguy cơ tăng cân và các vấn đề sức khỏe.

Tiêu thụ quá nhiều cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi và tiêu chảy, đặc biệt là ở những người có dạ dày nhạy cảm. Một số loại hạt, chẳng hạn như hạnh nhân và hạt điều, có chứa oxalat và phytate, có thể cản trở sự hấp thụ khoáng chất và góp phần hình thành sỏi thận theo thời gian.

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Còn bà Shivani Bajwa (nhà sáng lập YogaSutra Holistic Living, được Hiệp hội Y học chức năng Ấn Độ chứng nhận) cho biết, tiêu thụ quá nhiều hạt có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa và sức khỏe đường tiêu hóa theo nhiều cách. Bà Bajwa nói rằng, hạt có nhiều chất xơ, có lợi cho tiêu hóa ở mức độ vừa phải nhưng có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy khi tiêu thụ quá nhiều, đặc biệt là đối với những người có dạ dày nhạy cảm.

“Hàm lượng chất béo trong các loại hạt có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến cảm giác nặng nề hoặc khó chịu sau khi ăn nhiều. Một số loại hạt cũng chứa các hợp chất như phytates và tannin, có thể cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và gây kích ứng đường tiêu hóa”, bà Bajwa nói thêm.

Tác động đến cholesterol và tim mạch

Trong khi các loại hạt chứa chất béo lành mạnh có thể giúp giảm mức cholesterol LDL (xấu) khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải, thì việc tiêu thụ quá nhiều có thể góp phần làm tăng mức cholesterol LDL và có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Bác sĩ Bajwa cho biết, các loại hạt cung cấp nhiều lợi ích dinh dưỡng và hỗ trợ sức khỏe tim mạch, hệ tiêu hóa khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Chúng giàu chất béo lành mạnh, protein, chất xơ, vitamin (như vitamin E và vitamin B), khoáng chất (như magiê, kali và kẽm) và chất chống oxy hóa.

Nhưng tiêu thụ quá nhiều hạt có thể dẫn đến tăng cân do hàm lượng calo cao. Nó cũng có thể gây khó tiêu và mất cân bằng dinh dưỡng. Do đó, việc sử dụng điều độ là rất quan trọng để tận hưởng lợi ích dinh dưỡng của chúng mà không gây ảnh hưởng xấu đến cân nặng và tiêu hóa.

Khẩu phần ăn khuyến nghị hằng ngày

Bà Bajwa khuyến nghị rằng, khẩu phần ăn hằng ngày cho các loại hạt để có được lợi ích sức khỏe là khoảng 1 ounce, tương đương với một nắm nhỏ hoặc 28 gram.

Khẩu phần này cung cấp sự cân bằng tốt các chất dinh dưỡng, bao gồm chất béo lành mạnh, protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất, mà không góp phần đáng kể vào lượng calo dư thừa.

Tuy nhiên, nhu cầu của mỗi người có thể khác nhau, vì vậy, điều quan trọng là phải lắng nghe cơ thể và điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp, đặc biệt nếu bạn có mục tiêu ăn kiêng cụ thể hoặc cân nhắc về sức khỏe, bà Bajwa gợi ý.

Theo laodong