Mụn trứng cá xảy ra ở mọi độ tuổi và có thể tái đi tái lại nhiều lần, nhiều nhất là ở tuổi dậy thì. Tuy không nguy hiểm, nhưng mụn trứng cá có thể để lại các vết thâm, sẹo trên da… gây mất thẩm mỹ.
1. Nguyên nhân gây mụn trứng cá
- Mụn trứng cá xuất hiện khi các lỗ nhỏ trên da, được gọi là nang lông bị tắc nghẽn với tuyến dầu chứa bã nhờn.
- Sự hoạt động của vi khuẩn Cutibacterium Acnes.
- Giải phóng các chất trung gian gây viêm.
Các tác nhân khác
- Thay đổi nội tiết xảy ra ở tuổi dậy thì, khi có thai hoặc chu kỳ kinh nguyệt.
- Mỹ phẩm không an toàn, không phù hợp.
- Căng thẳng, stress, mất ngủ.
- Chế độ dinh dưỡng nhiều tinh bột, nhiều đường, chất béo.
- Uống rượu bia, thuốc lá, chất kích thích
- Trang điểm nhiều khiến lỗ chân lông bị bít tắc thời gian dài.
2. Ảnh hưởng của chế độ ăn đến mụn trứng cá
Chế độ ăn uống có liên quan mật thiết đến việc hình thành mụn trứng cá trên da. Chính vì thế, để kiểm soát mụn cũng như nâng cao hiệu quả trị mụn trứng cá, cần biết mình nên ăn gì và không nên ăn gì.
Chúng ta thường cho rằng mụn trứng cá hình thành là do hoạt động quá mức của tuyến chất nhờn kết hợp với bụi bẩn bám trên da. Tuy nhiên, có một nguyên nhân gây mụn trứng cá rất phổ biến nhưng lại bị xem nhẹ, đó chính là chế độ ăn hàng ngày của người bệnh.
Theo các nghiên cứu chế độ ăn có thể là yếu tố gây ra tình trạng mụn trứng cá trên da hoặc làm tăng mức độ trứng cá. Chế độ ăn uống hằng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi chất và cung cấp dinh dưỡng cho da. Chính vì thế, để hạn chế mụn và điều trị mụn trứng cá hiệu quả mọi người cần biết chế độ ăn đúng và hợp lý.
Những thông tin cần biết về mụn trứng cá
Sữa và sản phẩm của sữa ảnh hưởng đến mụn trứng cá
Nhiều người cho rằng sữa không ảnh hưởng đến quá trình lên mụn và điều trị mụn, điều này hoàn toàn là sai lầm. Sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, nhưng có thể gây tăng tổng hợp IGF-1 và làm tăng sản xuất Androgen, gây phát triển mụn trứng cá trên da.
Ngoài ra, sữa bò công nghiệp đã được báo cáo là có nhiều yếu tố tăng trưởng khác, như tiền chất của Testosterone, chất này tăng sinh nhân mụn thông qua kích thích sản xuất bã nhờn và tăng sừng hóa của đơn vị nang lông - tuyến bã. Do đó, nếu da đang mọc mụn, đặc biệt là ở tuổi dậy thì thì tốt nhất cần kiểm soát việc uống sữa hàng ngày, bao gồm cả sữa nguyên kem hay không béo…
Chế độ ăn nhiều đường
Hàng ngày, nếu ăn nhiều đồ ăn có chứa đường như uống trà sữa, ăn bánh ngọt, ăn các loại đường trực tiếp... sẽ làm tình trạng mụn nặng hơn.
Khi ăn nhiều đường, cơ thể sẽ tiết nhiều Insulin hơn, đây chính là yếu tố khiến tình trạng mụn nặng lên. Điển hình là ở các bệnh nhân đái tháo đường thường xuất hiện nhiều mẩn đỏ trên mặt và cơ thể, rất khó để điều trị.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đôi khi còn tranh cãi, nhưng đa phần các nghiên cứu đều đưa ra lời khuyên cho những người bị mụn trứng cá là chế độ ăn cần giảm các thực phẩm có chỉ số đường cao. Do đó, để hạn chế mụn trứng cá, đang điều trị mụn nên giảm lượng đường đưa vào cơ thể mỗi ngày.
Chế độ ăn uống có liên quan mật thiết đến việc hình thành mụn trứng cá trên da.
Thực phẩm giàu chất béo
Chất béo không những gây ra các vấn đề về thừa cân, béo phì, tim mạch... mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến chất nhờn trên cơ thể. Tuy nhiên, một số acid béo thiết yếu mà cơ thể không tổng hợp được, đôi khi lại hữu ích cho sức khỏe và trứng cá. Chưa có nghiên cứu nào đánh giá rõ ràng về ảnh hưởng của chất béo đến trứng cá. Nhưng trên thực tế ta đều thấy các đồ ăn chiên, rán, nướng và đồ ăn nhanh có ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, chúng ta cũng không nên sử dụng nhiều các đồ ăn đó.
Tinh bột
Nếu sử dụng quá nhiều tinh bột, đồng nghĩa với việc bạn đã dung nạp vào cơ thể quả nhiều Carbonhydrate. Và Carbonhydrate được xem là không tốt cho làn da của con người, bởi nó có thể khiến da của bạn bị nổi mụn, tăng tốc độ hình thành mụn và khiến cho các tổn thương do mụn lâu lành hơn. Thậm chí, nếu không cẩn thận có thể gây ra các dấu hiệu sưng viêm, nhiễm trùng nguy hiểm.
Tóm lại: Tác động của chế độ ăn uống đối với quá trình điều trị mụn trứng cá vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi, nhưng không thể bỏ qua. Có nhiều bằng chứng về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa, các acid béo bão hòa… với mụn trứng cá.
Vai trò của chất chống oxy hóa, Probiotics, axit béo Omega-3, kẽm, vitamin A, cà phê, sô-cô-la trong chế độ ăn uống đối với bệnh trứng cá vẫn chưa rõ ràng. Trong thực tế lâm sàng, bác sĩ da liễu cần biết các yếu tố trong chế độ ăn có tiềm năng gây ra hoặc làm nặng lên tình trạng trứng cá của bệnh nhân và cần lắng nghe bệnh nhân của họ.
Nếu bệnh nhân ghi nhận mối liên quan giữa một yếu tố chế độ ăn uống cụ thể và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá, thì việc loại trừ nó khỏi chế độ ăn uống hoặc hạn chế tiêu thụ các thực phẩm đó là điều cần thiết.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng bản thân chế độ ăn không phải là phương pháp điều trị và không thay thế được các chỉ định điều trị tại chỗ hay toàn thân khác.
Chế độ ăn có thể là yếu tố gây ra tình trạng mụn trứng cá trên da hoặc làm tăng mức độ trứng cá.
Lời khuyên thầy thuốc
Để hạn chế mụn trứng cá và đẩy mạnh hiệu quả trị mụn, tránh tình trạng mọc mụn, các khuyến cáo được đưa ra là cần tránh dùng các loại thực phẩm có hại cho cơ thể như nước tương, gia vị cay nóng, đồ ăn đóng hộp.
Đối với nam giới cần từ bỏ ngay các thói quen uống rượu bịa và hút thuốc lá bởi nó đều có thể làm gia tăng tình trạng trứng cá trên da…
Bên cạnh đó, tuyệt đối không được tự ý dùng tay nặn mụn trứng cá hoặc sờ tay lên da mặt để tránh gây tổn thương và lúc này sẽ rất dễ hình thành sẹo xấu. Nếu bạn bắt buộc phải lấy nhân mụn cần đến gặp các bác sĩ da liễu để được tư vấn và hỗ trợ cụ thể, nhằm hạn chế tổn thương da tối đa.
Không dùng các loại thuốc uống, thuốc bôi trị mụn có chất Corticoid. Cũng không nên dùng các loại kem trộn hay các sản phẩm trị mụn bán trên mạng. Bạn cũng không nên sử dụng các loại mỹ phẩm, bởi nó có thể gây kích ứng nghiêm trọng trên da, khiến cho mụn gia tăng và biến chứng do mụn để lại…
Các loại mụn trứng cá phố biến
Tùy theo đặc điểm và mức độ của từng loại mụn, mụn trứng cá có thể bao gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn bọc, mụn nang, các nốt sần...
• Mụn đầu trắng: Mụn dưới da, nhỏ và li ti.
• Mụn đầu đen: Rõ ràng hơn, có ngòi màu đen. Đây là hệ quả của sự oxy hóa mụn đầu trắng trên bề mặt da.
• Mụn mủ, mụn bọc: Xuất hiện rõ trên bề mặt da, có màu đỏ và có mủ trắng ở đầu. Loại mụn này thường sưng tấy và thường để lại thâm sau khi lấy nhân mụn.
• Mụn nang: Xuất hiện rõ trên bề mặt da, mụn to, đau và nhiều mủ, có thể gây sẹo trên da khi lấy nhân mụn.
|
Theo suckhoedoisong.vn