|
|
Trà xanh đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng nó cũng có các tác dụng phụ mọi người cần lưu ý. Ảnh:Shutterstock. |
Trà xanh nổi tiếng vì mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, từ ngăn ngừa ung thư, bệnh tim, rối loạn chuyển hóa chất đến giúp cơ thể kháng viêm. Ngoài ra, gần đây, thức uống này còn được biết là có khả năng hỗ trợ giảm cân. Do đó, trà xanh trở thành đồ uống được tiêu thụ nhiều thứ 2 trên thế giới.
Tuy nhiên, The Healthy cho hay nhiều người không biết tới tác dụng phụ của trà xanh. Theo một nghiên cứu đánh giá vào 12/2022 trên GastroHep, việc uống trà xanh có thể gây hại cho gan.
Sự phổ biến của trà xanh
Giáo sư Stephen Malnick, tác giả chính của nghiên cứu, Trưởng khoa Nội tại Trung tâm Y tế Kaplan, nói thị trường trà xanh ở Mỹ có thể tăng đến 27 tỷ USD vào cuối thập kỷ. Điều này cho thấy mọi người rất yêu thích thức uống lành mạnh này.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng đôi khi, trà xanh có thể được trộn từ các nguyên liệu khác nhau của nhiều quốc gia và một số nguyên liệu có thể chứa lượng nhỏ kim loại nặng. Vì vậy, bạn nên chọn trà xanh chất lượng cao từ các nguồn đáng tin cậy.
|
|
Trà xanh có thể chứa kim loại nặng. Do đó, bạn nên mua trà ở nơi uy tín và chọn loại trà có chất lượng cao. Ảnh:Shutterstock. |
Theo Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia (một bộ phận thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ), chiết xuất trà xanh ở dạng thuốc viên là thủ phạm chính khiến một số người mắc vấn đề về gan.
Lợi ích của trà xanh
Trà xanh chứa rất nhiều chất chống oxy hóa được gọi là catechin. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Alabama ở Birmingham, Anh, catechin có thể ngăn ngừa ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng.
Trà xanh cũng giúp tăng cường sức khỏe tim bằng cách thúc đẩy lưu lượng máu tốt hơn, giảm mức cholesterol và ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
|
|
Nhiều người ưa thích trà xanh vì lợi ích sức khỏe thức uống này mang lại. Ảnh:Shutterstock. |
Không chỉ vậy, trà xanh có thể tăng tốc quá trình trao đổi chất và hỗ trợ cơ thể đốt cháy chất béo. Đó là lý do khiến thức uống này trở thành lựa chọn hàng đầu cho người muốn giảm cân hoặc duy trì cân nặng.
Tác động của trà xanh lên gan
Tuy nhiên, trà xanh không chỉ đem lại mỗi lợi ích. Các nhà nghiên cứu tại Dịch vụ Y tế Clalit của Israel và Trung tâm Y tế Kaplan đã kiểm tra các báo cáo bệnh nhân, những nghiên cứu về lượng trà từ cùng một loại hoặc nhiều loại cây cũng như các thí nghiệm trên tế bào và động vật để hiểu rõ hơn cách trà xanh ảnh hưởng tới gan.
Họ phát hiện độc tố thực vật trong cây chè có thể gây ra phản ứng trao đổi chất, dẫn đến viêm gan ở một số người. Trà xanh cũng có thể gây bệnh tổn thương gan do thảo dược (HILI), một tình trạng không phổ biến nhưng nghiêm trọng.
|
|
Trà xanh có thể dẫn tới bệnh tổn thương gan do thảo dược (HILI). Căn bệnh này ít người mắc phải nhưng nó có thể dẫn tới hệ lụy rất nghiêm trọng. Ảnh:Shutterstock. |
Chỉ khoảng 100 trường hợp mắc HILI được ghi nhận trên toàn thế giới. Căn bệnh này có thể dẫn đến suy gan cấp tính hoặc tổn thương gan mà bạn phải mất hàng tháng hoặc hàng năm để phục hồi.
Việc xác định mối liên hệ trực tiếp giữa uống trà xanh và suy gan là một thách thức. Trong nghiên cứu trên, các thành phần chính xác gây ra tổn thương gan vẫn chưa được làm rõ.
Kết hợp trà xanh với các loại thuốc và thảo mộc khác cũng có khả năng khiến một số người mắc các bệnh gan nghiêm trọng. Các tác giả khuyên mọi người cập nhật thông tin về những rủi ro tiềm ẩn của trà xanh và tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng đáng ngờ nào.
Những điều cần chú ý khi uống trà xanh
Các chuyên gia khuyên bạn uống trà xanh với liều lượng và tần suất hợp lý, ví dụ 2-3 cốc/ngày và tránh uống quá nhiều. Nếu bạn muốn bắt đầu uống trà xanh, bạn nên nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước. Họ sẽ giúp bạn xác định lượng trà phù hợp với nhu cầu và đảm bảo trà không phản ứng với thuốc bạn đang dùng.
|
|
Bạn nên nói chuyện với chuyên gia sức khỏe và quan sát biểu hiện của cơ thể để quyết định lượng trà xanh phù hợp. Ảnh:Shutterstock. |
Sau khi uống quá nhiều trà xanh, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào như đau bụng, vàng da hoặc nước tiểu sẫm màu, hãy ngừng uống ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Theo zingnews