Người Việt ăn thịt nhiều hơn khuyến cáo
Anh N.B.Y (33 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết trong một tuần thì hầu như ngày nào anh cũng ăn thịt, có ngày 300g, có ngày 400g. Trong khi đó, lượng rau anh tiêu thụ khoảng 200g một ngày, có ngày không ăn rau.
Tương tự chị N.T.P (25 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM) cho biết gia đình chị mỗi tuần ăn khoảng 4-5 bữa thịt, trung bình mỗi người khoảng 300g một ngày. Hai ngày còn lại trong tuần thì ăn cá.
"Thịt dễ chế biến, có thể nấu nhiều món từ canh, xào, kho... nên cả gia đình tôi từ bé đến già ai cũng thích ăn thịt nên ăn khá thường xuyên", chị P. cho hay.
Theo thống kê Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi người Việt tiêu thụ thịt trung bình 136,4g/ngày, trong khi đó lượng rau tiêu thụ trung bình chỉ 218g/ngày. Như vậy so với mức khuyến nghị của WCRF (Tổ chức nghiên cứu Ung thư thế giới) và AICR (Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ), người Việt đang tiêu thụ lượng thịt gấp đôi khuyến nghị là 70g, còn lượng rau tiêu thụ chỉ đạt 74% khuyến nghị. Nhu cầu khuyến nghị tỷ lệ protein nguồn động vật/protein tổng là 35% nhưng kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2020 cho thấy tỷ lệ này là 48%.
Thông tin trên được Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc tế Dinh dưỡng thực vật và giải pháp sức khỏe của thế kỷ 21 diễn ra vào giữa tháng 7.2023 vừa qua.
Ăn nhiều thịt làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết các yếu tố nguy cơ đối với ung thư đại tràng gồm tuổi tác, di truyền, lối sống - trong đó có chế độ ăn.
"Đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy một số thói quen ăn uống có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 13% người mắc ung thư đại trực tràng có liên quan đến chế độ ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Thịt đỏ gồm thịt heo, thịt bò, thịt cừu... Thịt chế biến sẵn là thịt đã được xử lý để bảo quản, thường được thêm gia vị, như xúc xích, thịt hộp, thịt muối xông khói...", bác sĩ Niên cho hay.
Chỉ nên ăn dưới 70g thịt đỏ và thịt chế biến sẵn mỗi ngày đối với người có thói quen ăn nhiều các loại thực phẩm này. Nên thay thịt đỏ bằng cá hoặc thịt gà, hoặc dùng các loại đậu thay vì thịt. Ăn quá ít chất xơ cũng được xem là yếu tố nguy cơ cho ung thư đại trực tràng, có liên quan đến 30% các trường hợp ung thư đại trực tràng.
Bạn nên tăng cường lượng chất xơ trong bữa ăn bằng cách chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì các thực phẩm chứa tinh bột đã tinh chế (như bánh mì trắng, cơm trắng, bánh quy...). Ăn nhiều thực phẩm thực vật như các loại đậu hạt, trái cây, rau. Bên cạnh đó, các tình trạng khác của sức khỏe liên quan đến thói quen ăn uống như uống nhiều bia rượu, thừa cân béo phì cũng được xem là các yếu tố nguy cơ cho ung thư đại trực tràng...
Chế độ ăn lành mạnh cần tăng cường rau củ, chất xơ, đạm thực vật
Giáo sư Lê Thị Hợp cho biết, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh (nhiều chất béo, nhiều đường tự do, nhiều muối) là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì và các bệnh mạn tính không lây như ung thư, đái tháo đường và tim mạch.
Trong khi đó, chế độ ăn giàu thực vật giúp giảm mỡ cho cơ thể qua 6 cơ chế khác nhau, các yếu tố này cải thiện cảm giác no và tăng tiêu hao năng lượng dẫn đến giảm trọng lượng cơ thể.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chế độ ăn lành mạnh cần tăng cường ăn rau củ tươi (đặc biệt là các loại lá xanh), quả chín (cung cấp vitamin, chất xơ và khoáng chất). Sử dụng thêm đạm thực vật từ đậu nành, các loại đậu đỗ khác và cá.
Sữa và các sản phẩm từ sữa rất giàu chất dinh dưỡng. Sữa cung cấp canxi giúp phòng chống loãng xương. Giảm ăn thịt (đặc biệt là thịt đỏ), tránh các món ăn nhiều dầu mỡ (trừ mỡ cá) để kiểm soát lượng cholesterol trong máu. Hạn chế đường, bánh kẹo, nước ngọt. Hạn chế rượu bia. Giảm tiêu thụ muối, nên kiểm soát dưới 5g mỗi ngày.
Theo Thanh niên