Khi lớn tuổi, tuyến tụy trở nên kém hiệu quả hơn trong việc sản xuất và tiết insulin, vì vậy người từ 50 tuổi có thể mất nhiều thời gian hơn để đường huyết trở lại bình thường.
Dấu hiệu bất thường của đường huyết cao ở người lớn tuổi có thể gồm những triệu chứng sau:
|
|
Bác sĩ khuyên người trên 50 tuổi nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, đặc biệt là kiểm tra chỉ số đường huyết trung bình HbA1c |
Mệt mỏi, mất tập trung, chóng mặt và đi tiểu thường xuyên
Bác sĩ Amy Lee, Trưởng phòng Dinh dưỡng của Nucific (Mỹ), giải thích: Việc tuyến tụy kém hiệu quả trong việc sản xuất và tiết insulin có thể gây ra các triệu chứng đáng báo động như mệt mỏi, mất tập trung, chóng mặt và đi tiểu thường xuyên, theo trang tin sức khỏe Health Digest.
Tim đập nhanh và đau đầu
Bác sĩ Amy Lee cho biết các triệu chứng ít phổ biến hơn có thể là tim đập nhanh và đau đầu khi lượng đường trong máu giảm xuống rồi tăng lên. Người lớn tuổi có thể quy những dấu hiệu này cho quá trình lão hóa nói chung, nhưng bệnh tiểu đường loại 2 có thể phát triển chậm.
Khát nước nhiều hơn, sụt cân, mờ mắt hoặc vết thương lâu lành
Các dấu hiệu khác cho thấy lượng đường trong máu có thể tăng đột biến là khát nước nhiều hơn, sụt cân, mờ mắt hoặc vết thương lâu lành.
Trong nhiều trường hợp, mọi người đều cảm thấy khó chịu ở một mức độ nào đó. Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, đặc biệt là kiểm tra chỉ số đường huyết trung bình HbA1c.
Điều gì xảy ra nếu không kiểm soát đường huyết?
Bệnh tiểu đường nếu không được chẩn đoán và điều trị, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Nếu không kiểm soát được lượng đường trong máu, người bệnh có thể bị tổn thương mắt, thận, thần kinh, bàn chân và tim.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Aging & Mental Health, người bệnh cũng có thể mất chức năng điều hành của não.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí về bệnh tiểu đường Diabetes Cares còn phát hiện bệnh tiểu đường không được điều trị làm tăng nguy cơ đột quỵ dưới vỏ não cao gấp 2,6 lần, theo Health Digest.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở độ tuổi trên 50
Lão hóa không nhất thiết là gây mắc bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu năm 2017 trên Diabetes Care, các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến đường huyết khi lớn tuổi. Một yếu tố là xu hướng mất cơ do quá trình lão hóa. Tình trạng này có thể góp phần gây kháng insulin vốn dễ xảy ra hơn nếu bị tăng cân nhiều, nhất là xung quanh vùng bụng.
Các bệnh mạn tính khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Huyết áp cao và một số loại thuốc nhất định có thể làm tăng tình trạng kháng insulin. Ngoài ra, viêm khớp hoặc trầm cảm có thể dẫn đến lối sống ít vận động, khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, tập thể dục có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngay cả với bệnh nhân tiểu đường, tập thể dục có thể giúp kiểm soát đường huyết. Ngoài ra, tiêu thụ ít đường hơn trong chế độ ăn uống cũng là một cách hiệu quả.
Theo Thanh niên