Bác sĩ chia sẻ công thức xác định nhịp tim tối đa trong tập luyện
Cập nhật lúc 23:44, Thứ bảy, 26/10/2024 (GMT+7)
Trong quá trình tập luyện thể thao, việc xác định nhịp tim tối đa và duy trì trong khoảng cho phép là rất quan trọng.
Theo dõi nhịp tim trong quá trình tập luyện
Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết tập luyện thể dục rất tốt cho sức khỏe, nhưng chúng ta cần phải tập luyện một cách khoa học và an toàn. Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt khi luyện tập thể thao sai cách hoặc quá sức. Việc trang bị những kiến thức cần thiết về các dấu hiệu nhận biết và cách xử lý trong tình huống tập luyện thể thao quá mức là vô cùng quan trọng.
Trong quá trình tập luyện thể thao, việc xác định nhịp tim tối đa và duy trì trong khoảng cho phép là rất quan trọng. Nếu nhịp tim vượt quá ngưỡng an toàn, hãy giảm cường độ tập hoặc dừng tập thể thao ngay. Việc theo dõi nhịp tim bằng đồng hồ thông minh giúp ích nhiều trong quá trình tập luyện.
"Công thức xác định nhịp tim tối đa trong tập luyện là 220 - số tuổi (với nam) và 226 - số tuổi (với nữ). Ví dụ, một người đàn ông 60 tuổi có nhịp tim tối đa khi tập luyện theo công thức trên là 220 - 60 = 160 nhịp/phút. Nếu nhịp tim ở mức cao hơn ngưỡng tối đa hoặc đập không đều, nên dừng việc tập luyện", bác sĩ Thanh Lịch cho hay.
Dấu hiệu cảnh báo khi tập luyện quá sức
- Mệt mỏi cực độ: Cảm giác kiệt sức, không còn sức lực để tiếp tục.
- Chuột rút hoặc đau nhức cơ bắp nghiêm trọng: Tình trạng chuột rút cho thấy máu không cung cấp đủ oxy cho cơ bắp. Ngoài ra, chuột rút cũng có thể do cơ thể mất nước và mất điện giải như natri, kali, magie.
- Khó thở: Thở gấp, khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Chóng mặt, hoa mắt: Mất thăng bằng, cảm giác như sắp ngất. Đây là dấu hiệu của tình trạng mất nước, huyết áp, các vấn đề về tim hoặc có thể là vấn đề về hệ thần kinh. Bên cạnh đó tình trạng này có thể là do gắng sức hoặc không nạp đủ năng lượng trước khi tập như nhịn ăn khiến đường huyết tụt gây chóng mặt và mệt mỏi.
- Đau ngực: Nếu đang tập bỗng dưng thấy đau hoặc tức ngực, đặc biệt nếu kèm theo buồn nôn, nôn, chóng mặt, khó thở hoặc đổ mồ hôi nhiều, nên ngừng ngay và gọi cấp cứu vì triệu chứng này tiềm ẩn nguy cơ đau tim.
- Nhịp tim nhanh, không đều: Tim đập nhanh, loạn nhịp.
- Mất nước nghiêm trọng: Miệng khô, khát nước, nước tiểu sẫm màu.
- Buồn nôn, nôn ói.
Cách xử lý khi gặp tình trạng tập luyện quá sức
- Ngừng tập luyện ngay lập tức: Đây là điều quan trọng nhất.
- Nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát: Tìm một nơi thoáng mát để ngồi hoặc nằm nghỉ.
- Uống nước: Bù nước cho cơ thể bằng nước lọc hoặc nước điện giải.
- Giữ ấm cơ thể: Đắp chăn mỏng hoặc mặc thêm quần áo.
- Theo dõi các dấu hiệu: Nếu tình trạng không cải thiện, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra khi tập luyện:
Khám sức khỏe định kỳ: Đặc biệt đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao.
Khởi động kỹ trước khi tập: Giúp làm ấm cơ bắp và giảm nguy cơ chấn thương.
Tập luyện đúng cách: Nghe theo hướng dẫn của huấn luyện viên và khi có các dấu hiệu bất thường như tim đập nhanh, mệt mỏi, chóng mặt cần dừng lại ngay lập tức.
Uống đủ nước: Giúp cơ thể bù nước và duy trì huyết áp ổn định.
"Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực. Có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi, đặc biệt là với những người gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp, cholesterol cao, hút thuốc, béo phì", bác sĩ Thanh Lịch khuyến cáo.
Theo Thanh niên